Nhật Bản lần đầu tiên cho tàu tuần duyên đến túc trực tại quần đảo Ogasawara, cách Tokyo khoảng 1.000 km về phía Nam. Việc triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển, đồng thời tăng tốc độ ứng phó khi có tàu do thám và tàu nghiên cứu nước ngoài xâm nhập.
Theo giới chuyên gia, đây là động thái phản ứng việc Trung Quốc cho tàu nghiên cứu biển sâu đến vùng biển quanh Okinotorishima, bãi đá cách quần đảo khoảng 967 km về phía Nam.
Tuần duyên Nhật Bản thông báo tàu được điều động đến quần đảo là chiếc Mikazuki, nặng 180 tấn. Việc triển khai sẽ được thực hiện trong vài tháng tới. Tàu cũng được bổ sung nhân sự cho nhiệm vụ. Trước đây, mỗi lần phản ứng với các động thái tương tự từ Trung Quốc, Nhật Bản phải điều động tàu từ đại bản doanh tuần duyên ở Yokohama.
Khu vực này đang tồn tại tranh cãi về chủ quyền giữa Nhật Bản với một số láng giềng. Cuối năm 2014, khoảng 1.000 tàu cá, đa số được cho là tàu Trung Quốc, được phát hiện đánh bắt trái phép ở quần đảo Ogasawara. Nhiều tàu còn khai thác san hô. Một số tàu không cho thanh tra Nhật Bản kiểm tra hàng hóa. Ít nhất 11 người bị bắt giữ trong vụ việc.
Tàu tuần tra cỡ lớn lớp Tsugaru (PLH 02), có thiết kế bãi đáp trực thăng, của lực lượng Tuần duyên Nhật Bản. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Ngoài các nguy cơ như đe doạ đa dạng sinh học và đánh bắt cá trái phép, Nhật Bản ngày một lo ngại về khu vực vì Trung Quốc gia tăng hoạt động thu thập dữ liệu đáy biển quanh lãnh hải Nhật Bản. Các dữ liệu này có ý nghĩa chiến lược đối với tác chiến tàu ngầm.
"Một số người tại Tokyo lo ngại rất nhiều về tình trạng tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển, trong khi thời gian phản ứng từ Yokohama lại quá lâu", Garren Mulloy, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học Daito Bunka, chia sẻ.
"Họ từng chật vật ứng phó với các đoàn tàu nước ngoài đi vào vùng biển, càn quét mọi thứ rồi nhanh chóng đào tẩu. Rõ ràng lực lượng tuần duyên cần ứng phó hiệu quả hơn", ông nói.
Tàu do thám của Trung Quốc lại là câu chuyện "nhạy cảm hơn" đối với Nhật Bản. Tàu tuần duyên Nhật Bản có thể phải thách thức tàu Trung Quốc, yêu cầu tàu này rời khỏi "vùng biển Nhật Bản" và bám đuôi đến khi nào đạt được mục tiêu.
Nếu Trung Quốc không chấp nhận tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản quanh đảo Okinotorishima, cả hai nước có thể lâm vào tình trạng đối đầu căng thẳng và dai dẳng như trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo ông Toshimitsu Shigemura, chuyên gia quan hệ quốc tế ở Đại học Waseda, Tokyo có khả năng phải đối diện với hàng loạt động thái leo thang khiêu khích từ Bắc Kinh trên vùng biển phía Nam. Ông nhận định Bắc Kinh sẽ thử lửa quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, qua đó thăm dò phản ứng của Tổng thống Joe Biden.
"Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hoạt động mới tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Nếu một số lượng lớn tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển, điều đó cũng không quá bất ngờ", Shigemura cảnh báo.