Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhân viên y tế An Giang qua đời sau tiêm vaccine COVID-19: Chuyên gia nói gì?

(VTC News) -

Sự việc nữ nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19 tại An Giang khiến nhiều người lo lắng.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sự cố nữ nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19 tại An Giang là trường hợp vô cùng hiếm gặp.

Bất cứ vaccine nào, không nói riêng vaccine COVID-19 đều có tỷ lệ phản ứng bất lợi. Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm. Tuy nhiên, những phản ứng bất lợi này ở tỷ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn. Do đó, người dân không nên vì lo ngại mà bỏ qua một “vũ khí lợi hại” bảo vệ bản thân trước bệnh COVID-19.

“Tôi rất buồn khi có sự cố tiêm vacicne ở An Giang. Đây thực sự là trường hợp vô cùng hiếm gặp. Dù rất đau buồn, nhưng không vì vụ việc trên mà kế hoạch tiêm chủng vaccine của chúng ta phải dừng lại. Theo tôi, từ sự cố trên, chúng ta phải có sự rút kinh nghiệm để không xảy ra những sự cố đáng tiếc như vậy nữa", bác sĩ Thái nói.

Theo vị bác sĩ này, khi triển khai quy trình tiêm, lực lượng y tế phải tăng độ sẵn sàng trong công tác phòng chống phản vệ tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. Thậm chí nếu cần, các cơ sở y tế phải chuẩn bị sẵn Adrenalin, để khi sự cố xảy ra chỉ việc tiêm ngay, thay vì mất công chuẩn bị thuốc chống sốc. Ngoài ra, công tác tập huấn và giám sát kiểm tra tại những điểm tiêm chủng cũng cần tăng cường để đảm bảo việc nhân viên y tế sẵn sàng trong mọi tình huống.

Hiện cả nước có 801.957 người được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia hàng đầu trong đảm bảo quy trình về tiêm chủng vaccine COVID-19. Với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó,” quy trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại nước ta được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến.

Trong khi nhiều nước tổ chức tiêm dạo, tiêm tại cộng đồng (xách phích đi tiêm đến từng nhà), tiêm tại các điểm lưu động (người dân đi xe qua, dừng tiêm rồi đi tiếp), tiêm ngay trong nhà thuốc hoặc siêu thị. Thì tại Việt Nam, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 luôn đặt lên hàng đầu.

Để đạt được điều đó, quy trình tiêm ở nước ta luôn tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. Mặt khác, trước khi tiêm, các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị (có đủ phương tiện phòng chống sốc), có đội ngũ được đào tạo bài bản để tiêm chủng an toàn. Bản thân các cơ sở này cũng thường xuyên được giám sát cũng như người thực hiện tiêm chủng thường xuyên được tập huấn liên tục cập nhật về vaccine mới, quy trình tiêm an toàn.

“Đây chính là điểm mạnh của hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam và đã được thế giới ghi nhận. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong số rất ít nước có được hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia quản lý đến từng người được tiêm. Dữ liệu từ hệ thống giúp đảm bảo cho công tác an toàn tiêm chủng ngày càng tốt hơn để phục vụ người dân”, bác sĩ Thái nói.

Tối 7/5, Bộ Y tế thông tin về trường hợp đầu tiên tại Việt Nam chết sau khi tiêm vaccine COVID-19 tại An Giang. Người tử vong là nữ nhân viên y tế, 35 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu. 

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. 

Phạm Quý

Tin mới