Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhận diện những yếu tố dẫn dắt thành công của hành trình chuyển đổi số

(VTC News) -

Chuyển đổi số là quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, bao gồm nhiều yếu tố, trong đó con người vẫn là yếu tố mấu chốt để thành công.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Phát biểu tại ngày Chuyển đổi số (10/10) mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ nêu 4 quan điểm về chuyển đổi số. Trong đó, phải có tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua; vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số quốc gia phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng. Trong đó, ưu tiên phát triển dữ liệu số, các dịch vụ công trực tuyến, phát triển các nền tảng số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Theo Thủ tướng, cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Đặc biệt, phải phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; để người dân và doanh nghiệp hiểu, ủng hộ và tham gia tích cực vào chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng nhấn mạnh ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia.

Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế,…) tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Để quá trình chuyển đổi số thành công, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh yếu tố để thành công đầu tiên là con người, cụ thể là phải tăng cường nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức.

Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà uỷ quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, chuyển đổi số với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương, do đó, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia quá trình chuyển đổi số.

Cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp, nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Chuyển đổi số phải bắt đầu tư chuyển đổi nhận thức (nhận thức số).

Ông An Ngọc Thao, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) để chuyển đổi số thành công cần hợp sức từ mọi nguồn lực, trong đó cần chú y đến câu chuyện hạ tầng số quốc gia. Đầu tiên, hạ tầng pháp lý của Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số đang nhanh chóng hoàn thiện hơn.

Từ Chính phủ đến các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo... đều nỗ lực tạo ra những hành lang pháp lý cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc chuyển đổi số. Hành lang pháp lý đang dần dần rõ nét và thời gian tới sẽ là đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số.

Tiếp đến, hạ tầng kết nối của Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hàng đầu trong khu vực mà cả trên thế giới. Việt Nam có lượng cáp quang hơn 1 triệu km, 4G phủ sóng 98-99% và 5G đang được thương mại hóa. Chất lượng dịch vụ internet của Việt Nam vừa rẻ vừa tốt là thực tế.

Tiếp đến, hạ tầng dữ liệu được Chính phủ chú trọng đầu tư trong thời gian qua. Ngoài 6 cơ sở dữ liệu quốc gia được Chính phủ ưu tiên triển khai trong các lĩnh vực như dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, dân số, tài chính và bảo hiểm xã hội, còn các cơ sở dữ liệu ngành, địa phương, các tổ chức... đang được các đơn vị hệ thống hóa và trong tương lai sẽ được tích hợp vào dữ liệu quốc gia.

Sau khi dữ liệu lớn (Big Data) được tổng hợp và chuyển thành dữ liệu mở (open-data) để các đơn vị có thể tiếp cận, khai thác, dữ liệu sẽ phát huy vai trò to lớn của mình trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số.

Bên cạnh đó, hiện tại hơn 40 trung tâm dữ liệu (data center) đang được các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn của Việt Nam (như Viettel, VNPT, FPT) tập trung xây dựng theo hướng siêu trung tâm dữ liệu, góp phần giải quyết bài toán dữ liệu lớn của Việt Nam.

Yên Hiên

Tin mới