Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhận diện hành vi kích động, chia rẽ đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn phân tích, làm rõ hành vi kích động, chia rẽ đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sau vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk của thế lực thù địch.

Sau gần một tháng xảy ra vụ việc nhóm đối tượng tấn công vào trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều đối tượng liên quan. Lợi dụng sự việc này, các thế lực thù địch, phản động, chống phá đất nước liên tục rêu rao tuyên truyền, kích động, nhằm gây chia rẽ, thù hằn dân tộc.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống. (Ảnh: VGP).

Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, để nhận diện rõ hơn hành vi chống phá, kích động đồng bào dân tộc thiểu số phản kháng, chống đối chính quyền của các thế lực thù địch.

- Liên quan tới vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vừa qua, sự việc đã rõ ràng nhưng một số thành phần, đối tượng, một số thế lực vẫn đưa ra những quan điểm, bình luận làm sai lệch nguyên nhân, nguồn gốc của sự việc này, thưa ông?

Sự việc xảy ra tại Đắk Lắk do một nhóm người tấn công vào trụ sở của chính quyền và công an hai xã tại huyện Cư Kuin là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Đồng thời, nó đã tước bỏ tính mạng của người dân, của cán bộ, công chức Nhà nước, lực lượng vũ trang. Không một quốc gia, một đất nước có kỷ cương, luật pháp nào có thể chấp nhận các hành vi chống lại Nhà nước, chống lại nhân dân.

Thế nhưng, những vụ việc như thế này lại là cơ hội cho các thế lực thù địch, những phần tử chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị. Chúng bám vào đó để đưa ra những thông tin sai lệch, đưa ra những bình luận xuyên tạc, bóp méo sự thật, đẩy vấn đề sang một hướng khác, mục đích là làm cho người dân và những người thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, hoặc là những người còn mơ hồ mất cảnh giác, dễ nhận thức sai lầm.

Tuy nhiên, không ít người đã nhận ra chân tướng, bản chất âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này.

BBC Tiếng Việt có nhiều bài viết xuyên tạc bản chất vụ việc ở Đắk Lắk.

- Ông bình luận thế nào khi các đối tượng chống phá đất nước cho rằng, vụ việc ở Đắk Lắk vừa qua là “hành động phản kháng của người Tây Nguyên theo đạo Tin lành bị áp bức về đức tin”?

Đây cũng là một chiêu trò, phương thức, hành vi, âm mưu thủ đoạn của các đối tượng tuyên truyền, chống phá chúng ta.

Chúng ta biết rằng, hiến pháp, pháp luật của Việt Nam rất rõ ràng, công khai và được triển khai trong thực tiễn, đó là chúng ta thực thi chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Chúng ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Chúng ta tạo điều kiện cho các tôn giáo được phát triển, được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Quan điểm nhất quán của Nhà nước ta là, đồng bào có đạo hay không có đạo, đều là công dân của nước Việt Nam. Cho nên, những chiêu trò, luận điệu cho rằng, đây là phản kháng của đồng bào có đạo hay không có đạo ở Tây Nguyên là hoàn toàn phi lý. Đây cũng chính là âm mưu kích động của các thế lực thù địch.

Còn thực tế, chúng ta thấy, cả về pháp luật, cả về chính sách và trong hành động thực tế, hoàn toàn ở Việt Nam không có câu chuyện giữa các tôn giáo có sự xung đột, mâu thuẫn.

Những luận điệu cho là phản kháng của đồng bào có đạo hay không có đạo ở Tây Nguyên, là một chiêu trò lố bịch và không đúng thực tế. Chỉ những ai đó bị dụ dỗ, lôi kéo, hoặc là do tư tưởng bất mãn, thiếu nhận thức, mất cảnh giác thì mới nghe theo thôi.

- Và chúng ta cũng luôn nhất quán quan điểm cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng bình đẳng và sinh sống, không hề có sự phân biệt, kỳ thị dân tộc, thưa ông?

Đúng thế, đường lối nhất quán của Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. 54 dân tộc là anh em trong một đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đoàn kết, thống nhất và cùng nhau xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta không hề có bất cứ một chính sách nào, một hành động nào có sự phân biệt, cũng không có hành vi nào gây kỳ thị dân tộc. Cho nên, những thủ đoạn, những chiêu trò cho rằng chúng ta kỳ thị đồng bào dân tộc A hay dân tộc B, hoặc có sự đàn áp, phân biệt đối xử giữa các dân tộc, đều là sự lừa bịp. Đó chỉ là sự tưởng tượng của các thế lực thù địch mà thôi.

- Lợi dụng vụ việc này, các đối tượng ra sức tuyên tuyền kích động đồng bào dân tộc thiểu số biểu tình, bạo loạn chống đối chính quyền, chúng hô hào đồng bào tập hợp dưới tổ chức có tên gọi là nhóm “Người Thượng vì công lý”. Ông có thể cho biết bản chất của nhóm này là gì?

Các tổ chức phản động ở khu vực Tây Nguyên đã tồn tại từ rất lâu rồi. Các chế độ ngụy quân, ngụy quyền ngày xưa cũng đã sử dụng những lực lượng phản động trong nhóm này để tạo ra sự chia tách, xung đột giữa các nhóm dân tộc với nhau, nhằm mục tiêu chia để trị.

Chẳng hạn như nhóm “Người Thượng vì công lý” chỉ là một nhóm phản động, được các thế lực phản động bên ngoài tiếp sức. Chúng không thể đại diện cho một dân tộc nào đó trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Và thực tế, chúng cũng không đủ năng lực, đủ khả năng để bảo đảm cho hạnh phúc, sự bình yên, sự phát triển của chính cộng đồng dân tộc họ. Và điều đó chẳng qua chỉ là nhằm thực hiện những mưu đồ riêng tư của một nhóm người bị lôi kéo, kích động.

Tôi cho rằng, mỗi người dân có lòng yêu nước và có ý thức trách nhiệm, trước hết phải tôn trọng luật pháp. Bởi vì, luật pháp đảm bảo cho mọi người công bằng và bình đẳng.

Không ai có quyền được thực hiện các hành vi chống lại Nhà nước, chống lại quốc gia dân tộc, chống lại chính quyền, tước bỏ sinh mạng của người khác, phá hủy tài sản nhà nước, cũng như của công dân. Cho nên, không có gì để biện minh cho những hành động bắn giết đồng bào, tấn công vào trụ sở cơ quan, gây bạo loạn an ninh trật tự.

Người dân có quyền khiếu nại, có quyền tố cáo, có quyền kiến nghị, để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tế đời sống xã hội; có quyền tố cáo với người có thể sai phạm, có quyền tham gia góp ý xây dựng các chính sách pháp luật, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Còn hành vi dùng bạo lực đập phá, tấn công, chống lại nhà nước, chống lại chính quyền không một quốc gia nào chấp nhận. Và đây cũng chỉ là một nhóm người, không thể đại diện cho ai cả. Và nhóm người này, hầu hết bị lôi kéo, dụ dỗ và cũng thiếu sự hiểu biết.

Một số đối tượng khủng bố trong vụ án bị Công an bắt giữ. (Ảnh: Công an Nhân dân).

- Mặc dù các đối tượng có hành vi bạo động, gây nguy hiểm đặc biệt cho xã hội nhưng trong quá trình truy quét, bắt giữ các đối tượng, chúng ta cũng luôn tạo cơ hội và điều kiện cho họ ra đầu thú để được hưởng khoan hồng. Đó cũng là một quan điểm, chính sách hết sức nhân văn của Nhà nước ta?

Qua vụ việc này, chúng ta thấy rất rõ đồng bào các dân tộc Việt Nam, ngay trên địa bàn Tây Nguyên, luôn luôn đứng về phía chính nghĩa; Ủng hộ, giúp sức cho các cơ quan chức năng trong việc ổn định tình hình, truy bắt các đối tượng.

Chúng ta thấy, trên thế giới cũng có rất nhiều vụ bạo loạn chống lại Nhà nước nhưng cách xử lý của chúng ta là hết sức nhân văn.

Chúng ta tạo điều kiện cho những người mắc sai lầm có thể ra đầu thú, khai báo, để được hưởng khoan hồng, chứ không phải nhằm mục đích tiêu diệt, trả thù. Mặc dù, hành động của những đối tượng này rất manh động, quyết liệt chống trả.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân, cho các lực lượng chức năng, trong trường hợp cần thiết, chúng ta vẫn có thể tiêu diệt. Nhưng chúng ta đã xử lý theo cách vẫn giữ gìn được tính mạng cho các đối tượng, vẫn xử lý theo pháp luật, vẫn giáo dục để bản thân các đối tượng nhận ra sai lầm.

Đồng thời cũng là cảnh báo, giáo dục chung. Tôi cho rằng, đây là một sự nhân văn, không phải quốc gia nào, dân tộc nào, không phải chính quyền nào cũng giải quyết theo hướng đó.

- Xin cảm ơn ông!                       

Trường Giang (Phát thanh Quân đội)

Tin mới