Sợ hãi mạng xã hội: Ngày nay, việc bắt nạt không chỉ diễn ra ở ngoài đời thực mà còn trên mạng xã hội, biểu hiện bằng những lời lẽ xúc phạm, chế giễu hay nhục mạ. Tất nhiên, tôn trọng quyền riêng tư là điều tốt, nhưng cha mẹ cũng không nên quá thờ ơ với cuộc sống của những người trẻ trên mạng xã hội để có thể phát hiện những mối nguy cơ tiềm ẩn một cách nhanh nhất.
Các vết thương không rõ nguyên nhân: Khi đi học, việc con trẻ vô tình gặp phải các tai nạn nhỏ và bị thương là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đứa trẻ có xu hướng không trung thực về nguyên nhân gây nên các vết bầm tím, cào cấu trên cơ thể mình, hãy liên hệ ngay với giáo viên để biết chuyện gì đã xảy ra.
Đồ dùng học tập bị mất hoặc làm hỏng: Tất nhiên, đây cũng là chuyện bình thường khi đi học. Tuy nhiên, nếu tần suất diễn ra việc này quá thường xuyên, cộng thêm thái độ mập mờ của đứa trẻ khi được hỏi thì không hề bình thường chút nào.
Thường xuyên giả bệnh: Với nhiều đứa trẻ nghịch ngợm, việc giả bệnh để được nghỉ ở nhà xem phim hoặc chơi điện tử là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, những cơn đau đầu, đau bụng hay ốm giả thường xuyên có thể cho thấy một đứa trẻ đang cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi đến trường nên tìm cách trốn tránh.
Thay đổi thói quen ăn uống: Với nhiều đứa trẻ học bán trú và ăn trưa ở trường, việc bỗng nhiên ăn quá nhiều vào buổi tối sau khi tan học trở về nhà có thể do đã bỏ bữa trưa vì bị những kẻ bắt nạt làm phiền hoặc dọa dẫm. Để ý những thay đổi nhỏ nhất trong thói quen ăn uống của trẻ, điều đó không bao giờ là thừa.
Khó ngủ, thường xuyên gặp ác mộng: Việc một đứa trẻ thức khuya vào buổi tối có thể là do mải mê lướt mạng xã hội hoặc giải quyết bài tập về nhà. Tuy nhiên, nếu chúng thực sự gặp vấn đề về giấc ngủ, người hay mệt mỏi, rất có thể là do áp lực, căng thẳng từ việc bị bắt nạt.
Không hứng thú với trường học: Nếu một đứa trẻ có học lực khá bỗng nhiên bị sa sút, chẳng còn đề cập đến những điều thú vị, hài hước ở trường như trước kia vẫn làm thì không loại trừ khả năng chúng gặp phải vấn đề khó khăn nào đó hoặc bị tấn công ở trường.
Bỗng nhiên mất bạn bè và lảng tránh xã hội: Nếu một đứa trẻ hòa đồng bỗng nhiên chỉ ru rú trong nhà, không còn đi chơi hay thậm chí nhắc đến bạn bè như trước, rất có thể là một "báo động đỏ" mà phụ huynh cần để tâm.
Mất tự tin: Một đứa trẻ đột nhiên quan tâm đến vẻ ngoài của mình và áp dụng những cách quyết liệt, thậm chí tiêu cực để thay đổi chúng có thể là dấu hiệu của việc bị bắt nạt. Phần lớn các vấn đề bắt nạt ở trường học thường liên quan đến ngoại hình, chủ yếu là cân nặng.
Có hành vi tự hủy hoại bản thân: Trốn khỏi nhà, tự làm bản thân bị thương hay thậm chí là đề cập đến việc tự sát có thể là những dấu hiệu của một đứa trẻ đang bị bắt nạt mà những người xung quanh không bao giờ nên bỏ qua.