Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhận biết những loài rắn độc ở Việt Nam thế nào?

Màu sắc và hình dạng đầu là điểm dễ nhận biết một số loại rắn độc ở Việt Nam.

Rắn hổ mang chúa có cổ bạnh, hai vảy lớn ở đỉnh đầu. Loài này được xem là vua của họ rắn hổ với tốc độ săn mồi nhanh, nọc độc mạnh. BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết nọc rắn hổ mang gây tổn thương thần kinh, sưng nề. Vị trí vết thương có thể hoại tử nhanh chóng khiến nạn nhân bị tàn phế. (Ảnh: Antriksh/Pixabay).

Rắn hổ mèo còn được gọi là hổ mang Đông Dương. Loài này nổi tiếng nhờ khả năng phun nọc độc xa 1,4-1,6 m. Theo bác sĩ Tình, rắn hổ mèo thường có chữ V hoặc hình mặt mèo trên đầu. Loài này hay gặp ở miền Nam. Khi tức giận, con vật phình to cổ theo chiều trước sau, không bạnh ra hai bên như rắn hổ mang. (Ảnh: Trường Nguyên).

Rắn hổ đất còn được gọi là hổ phì, trên đầu có vòng tròn như mắt kính. Khi bạnh cổ, đầu của chúng có hai dải màu trắng và vệt nâu đen ở giữa. Màu sắc ở lưng thường là nâu sẫm hay vàng lục, có những vạch ngang nhỏ hơi sáng. Loài này có khả năng phun nọc độc từ xa. (Ảnh: Pinterest).

Cạp nong là loài rắn độc, kích thước tương đối lớn, dài trên một mét. Loài này đầu lớn và ngắn, mắt tròn, mút đuôi tròn, một gờ dọc rõ giữa sống lưng. Điểm nổi bật của loài này là khoang màu vàng, đen xen kẽ nhau. (Ảnh: Pinterest).

Rắn cạp nia có đầu thon mảnh, con ngươi tròn, trên thân có các khoang màu đen, trắng xen kẽ. Chúng có tiết diện ngang hình tam giác, đoạn từ hông xuống đuôi dẹp dần thành điểm nhọn. Nọc rắn cạp nia có chứa độc tố synape gây liệt, suy hô hấp. Nạn nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. (Ảnh: Flicrk).

Rắn biển hay đẻn biển là loại rắn cực độc, sống ở vùng biển sâu, đặc biệt là nơi có nước đục hay phù sa. Tại Việt Nam, loài này chủ yếu phân bố ở vùng biển miền Trung và miền Bắc. (Ảnh: The New York Times).

Lục đuôi đỏ thuộc nhóm rắn lục. Chúng có đầu hình tam giác, to hơn phần thân, đuôi màu đỏ cam. BS Huỳnh Công Chánh, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Xuyên Á, cho biết nạn nhân bị lục đuổi đỏ cắn thường có 2 vết răng cách nhau một cm, xuất huyết, tê buốt. Độc của chúng chỉ xếp sau nọc hổ mang chúa, có thể gây hoại tử cơ, suy thận, rối loạn đông máu. (Ảnh: Thai National Parks).

Rắn lục miền Nam (rắn lục Von-gen) là loài cực độc. Đặc điểm của loài này là đỉnh đầu và thân có màu xanh lục, nhạt dần ở phần bụng. Giữa lưng và bụng của rắn lục miền Nam có dải màu sáng kéo dài từ cổ đến đuôi. Chúng thường sinh sống ở vùng núi thấp, bụi rậm tại Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai. (Ảnh: Ethan Mann).

Rắn chàm quạp còn có tên gọi khác là khô mộc xà hay lục Malaysia, lục nưa. Chúng thường sống ở rừng cao su vùng Đông Nam bộ. Chàm quạp có thân màu nâu đỏ, đầu hình tam giác. Dọc sống lưng là các hình tam giác màu nâu, đối xứng như cánh bướm. Vết thương do chàm quạp cắn gây đau dữ dội, sưng nề. (Ảnh: Pinterest).

Video: Thằn lằn quỷ gai dùng tuyệt chiêu ‘khó đỡ’ đánh lừa rắn độc

Nguồn: Zing News

Tin mới