Tối 26/8, chuyến xe chở 8 sinh viên ngành Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm lăn bánh, rời địa phận Quảng Ngãi và thẳng tiến một mạch vào TP.HCM – địa phương đang căng mình với cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Ngày lễ tốt nghiệp đặc biệt
Sáng 26/8, tại Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm diễn ra lễ trao bằng tốt nghiệp vô cùng đặc biệt, chỉ dành riêng cho 8 sinh viên ngành Điều dưỡng.
Theo thầy Tô Kỳ Nam - Hiệu trưởng nhà trường, đây là các sinh viên tình nguyện đăng ký chi viện cho TP.HCM chống dịch COVID-19.
Ngay khi nhận bằng tốt nghiệp, 8 sinh viên sắp xếp đồ đạc, tức tốc lên đường vào TP.HCM chống dịch.
“Ngay khi nhận bằng tốt nghiệp, cả nhóm bắt tay thu dọn tư trang, đồ đạc để sẵn sàng lên đường.
Nhà trường lấy làm tự hào trước tinh thần xung kích vì cộng đồng của các em. Hy vọng, chuyến đi này sẽ giúp các em đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm và quan trọng hơn là góp sức cùng lực lượng y tế TP.HCM sớm đẩy lùi dịch bệnh”, thầy Nam chia sẻ.
Là một trong số 8 sinh viên sắp sửa vào TP.HCM chống dịch, Nguyễn Thị Ái Nhi (Trưởng nhóm) thổ lộ, đây chắc chắn là ngày lễ tốt nghiệp đáng nhớ nhất trong hành trình cắp sách đến trường. Bởi lẽ, hậu tốt nghiệp, Nhi cũng như 7 người bạn của mình không có nhiều thời gian để chia vui cùng gia đình. Thậm chí, tấm bằng tốt nghiệp vừa nhận – ghi dấu bao năm trời nỗ lực “dùi mài kinh sử” trên ghế giảng đường, cũng tạm cất đi.
Tất cả nhường cho chặng đường xông pha lên tuyến đầu chống dịch. Mà ở đó, nhóm Nhi sẽ phải căng mình cùng TP.HCM quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh cam go.
Theo Nhi, đây không phải lần đầu tiên cô và 7 người bạn đặc biệt của mình ghi danh tình nguyện đi chống dịch. Hồi cuối tháng 6, khi Quảng Ngãi bùng phát dịch COVID-19, nhóm của Nhi không ngại xung phong vào thị xã Đức Phổ - địa phương được xem là tâm dịch với số lượng ca bệnh tăng đến chóng mặt.
“Tròn một tháng, tụi em tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết các trường hợp F1, F2 ở 2 xã, phường Phổ Châu và Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Không ít lần mình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho chính ca dương tính, thế là đêm đó về ngủ thoáng chút lo lắng. Nhưng nỗi lo cũng nhanh chóng tan biến trước quyết tâm diệt sạch COVID-19”, Nhi bộc bạch và nói thêm, khi dịch ở Đức Phổ được khống chế, đầu tháng 8 vừa qua, các sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch quay lại trường.
Chỉ vài ngày sau, nhóm của Nhi nhận thông báo kêu gọi vào TP.HCM chi viện cho bệnh viện điều trị COVID-19 mới thành lập. Và cũng như lần trước, cả 8 bạn đều chẳng chút do dự, đặt bút ghi danh và sẵn sàng tâm thế lên đường.
Sẽ về quê khi TP.HCM “sạch bóng” COVID-19
10h nhận bằng tốt nghiệp, chừng hai tiếng rưỡi đồng hồ sau, Phạm Thị Quê đã vượt ngót quãng đường hơn 100 cây số và đặt chân đến nhà mình ở xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ. Vừa tranh thủ sắp xếp thêm mấy bộ quần áo bỏ vào vali, Quê vừa ngỏ ý xin phép cha mẹ cho mình vào TP.HCM tham gia chống dịch.
Nhi, Quê cùng 6 người bạn của mình sẵn sàng góp sức cùng TP.HCM đẩy lùi đại dịch.
Cả tháng nay, ông Phạm Văn Trói (cha Quê) thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh COVID-19 trên tivi và cảm nhận sự khốc liệt mà TP.HCM đang trải qua. Vì vậy, khi nghe cô con gái giãi bày ý định xông pha vào tâm dịch, ông có phần giật mình.
“Em là chị cả trong gia đình có 5 chị em. 4 đứa em đều nghỉ học, có đứa đã đi làm. Em biết vào miền Nam thời điểm này chắc chắn khiến mọi người lo lắng nhưng khi chọn học ngành Y, em xác định phải đem kiến thức học được để cống hiến cho cộng đồng. Bây giờ, TP.HCM đang rất khó khăn, trách nhiệm của mình là phải góp sức giúp đồng bào trong đó sớm trở lại cuộc sống bình yên", Quê tâm sự và vui vẻ cho hay, sau một hồi thuyết phục, cuối cùng cha cũng đồng ý cho Quê lên đường vào miền Nam chống dịch.
Nán chân ở nhà vỏn vẹn 30 phút, Quê chất lỉnh kỉnh đồ đạc lên xe máy rồi lật đật quay lại TP Quảng Ngãi tập trung cùng cả nhóm và làm xét nghiệm PCR trước khi vào TP.HCM.
Một thành viên khác trong nhóm là Nguyễn Thị Trúc Mai (xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ) nhận định, chuyến tình nguyện chống dịch đợt này sẽ khốc liệt hơn bội phần so với tâm dịch thị xã Đức Phổ.
8 nữ sinh viên lên đường vào TP.HCM ngay trong đêm.
Theo Mai, ở thị xã Đức Phổ, nếu đỉnh điểm số ca bệnh trong một ngày dừng lại ở hàng chục thì tại TP.HCM, số ca mỗi ngày có thể chạm tới đơn vị hàng ngàn. “Là một người theo học ngành Y, việc hỗ trợ người bệnh được xem là trách nhiệm và nghĩa vụ. Bây giờ, TP.HCM đang căng thẳng với vô vàn nỗi lo. Vì vậy, em và các bạn chẳng có lý do gì mà từ chối không cống hiến sức mình giúp thành phố đẩy lùi đại dịch”, Mai xúc động chia sẻ.
Trước khi cất bước lên chuyến xe đặc biệt, Nguyễn Thị Ái Nhi cùng 7 thành viên trong nhóm quả quyết: “Khi nào TP.HCM sạch bóng COVID-19 thì chúng em mới trở về!”.