Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhận 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn nói nhiều lần liên hệ trả lại

(VTC News) -

Bị cáo Nhàn cho rằng nhận tiền thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn 4 lần tổng cộng 5,2 triệu USD nhưng vẫn giữ nguyên chưa sử dụng và nhiều lần liên hệ trả lại.

Sáng 8/3, HĐXX đã thẩm vấn bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hành vi nhận hối lộ 5,2 triệu USD của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Tại phiên toà, bị cáo Nhàn thừa nhận, hành vi vi phạm trong cáo trạng tương ứng phù hợp với lời khai báo tại cơ quan điều tra. Song, bị cáo Nhàn cho rằng nhận tiền thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn 4 lần tổng cộng 5,2 triệu USD nhưng vẫn giữ nguyên chưa sử dụng.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

"Trong suốt thời gian thanh tra, bị cáo không nhận bất cứ quà gì của SCB. Sau khi bị cáo đã hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra, có báo cáo đầy đủ sai phạm của SCB thì Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền cho bị cáo. Bị cáo không lấy thì Văn nói đừng làm khó người cũng như làm khó chính mình.

Bị cáo đã nhiều lần liên hệ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn để trả lại. Bị cáo không bàn bạc với ai để nói về chuyện tiền nong", bị cáo Nhàn nói.

Bà Nhàn cũng khai đã thanh tra 2 lần ở SCB vào năm 2017 - 2018, không liên lạc với ai để tác động vào kết quả thanh tra và "làm theo chỉ đạo của anh Hưng" (Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh thanh tra NHNN).

"Anh Hưng nói bổ sung vào báo cáo Chính phủ và sửa lại phần nhận xét đánh giá vào 23/1/2018. Nợ xấu của SCB rơi vào nhóm 3-5, anh Hưng chỉ đạo đưa vào nhóm 1. Bị cáo chỉ sửa bổ sung phần kết luận, bảo lưu kết quả thanh tra. Kết quả thanh tra là đúng, nhưng sau khi sửa là không đúng, vẫn phản ánh SCB là xấu. Nhưng xấu không đúng với thực tế khách quan", bà Nhàn nói.

Khai về quá trình gặp gỡ bà Trương Mỹ Lan, bà Nhàn cho rằng trong quá trình thanh tra, bà thấy có 2 dự án là dự án Chợ Vải và dự án Saigon Time Square đã đưa vào sử dụng nhưng nguồn thu không trả về cho SCB nên đã yêu cầu phải trả nợ.

Cáo trạng xác định, trong thời gian thanh tra, với tư cách là trưởng đoàn, đã nhiều lần nhận tiền từ Ngân hàng SCB thông qua Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT, đang bỏ trốn), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) và Nguyễn Nam Tuấn (lái xe của Văn) với tổng số tiền lên tới 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng).

Cụ thể, khoảng tháng 3/2018, Thành và Văn ra Hà Nội, lên phòng làm việc của bà Nhàn ở cơ quan, đưa cho bà này một túi trái cây và một túi đựng 200.000 USD. Đỗ Thị Nhàn nhận tiền rồi mang cất ở nhà.

Từ tháng 10 đến tháng 12/2018, giai đoạn dự thảo kết luận thanh tra, xin ý kiến các bộ, ngành và sau đó ban hành kết luận thanh tra tại SCB, Văn và Nguyễn Nam Tuấn 3 lần mang các thùng xốp đựng tiền USD để đưa cho Đỗ Thị Nhàn.Tổng cộng 5 triệu USD.

Sau mỗi lần đưa tiền tại nhà riêng, bà Nhàn hỏi thì được cho biết tiền này là của Trương Mỹ Lan cảm ơn vì đã giúp và hỗ trợ SCB trong quá trình thanh tra. Nhận tiền, bà Nhàn cho vào thùng khác, cất giấu trong phòng ngủ. 

Khoảng tháng 12/2022, Đỗ Thị Nhàn chia số tiền thành 2 phần, mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà họ hàng ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Số tiền còn lại, Nhàn cho vào thùng sắt, khóa lại, mang sang nhà em trai, cất trong phòng ngủ rồi khóa tủ và cầm chìa khóa.

Nhận tiền để thu hẹp nội dung thanh tra SCB

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN) khai đã nhiều lần nhận tiền của SCB trong các ngày lễ, tết, tổng cộng 390.000 USD, từ đó báo cáo không trung thực về thực trạng tài chính của SCB, tạo điều kiện cho ngân hàng này tiếp tục đề án tái cơ cấu.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng.

Ông Hưng khai tại toà rằng thanh tra SCB là thanh tra theo kỳ, không phải thanh tra đột xuất. Tình hình của SCB theo các kênh báo cáo thì hoạt động bình thường, do đó cuộc thanh tra được xác định là thanh tra bình thường.

Ông Hưng khai thêm, ngay từ đầu xác định trọng tâm là thanh tra tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu 2015 - 2019 của NHNN, nhưng cần xác định rõ thực trạng của SCB, chỉ ra cho SCB biết vấn đề tồn tại, hạn chế, cần khắc phục.

Theo ông Hưng, sai phạm trong đợt thanh tra lần 1 chính là có sai lệch về số liệu, nằm ở chỉ tiêu cơ bản để đánh giá được thực trạng của SCB, từ đó, không xử lý phân loại nhóm nợ đúng quy định, đưa SCB thuộc nhóm nợ 3 - 5 quay trở lại nhóm 1.

"Ở đây có phần trách nhiệm của bị cáo không kiểm tra, rà soát những ý kiến chỉ đạo của mình đề ra cho đoàn trước khi bị cáo ký phân loại nợ trình Thống đốc. Đây là trách nhiệm của bị cáo, báo cáo này làm sai lệch đi báo cáo tài chính của SCB", bị cáo Hưng thừa nhận.

Chủ tọa hỏi bị cáo Hưng tại sao phải thu hẹp phạm vi thanh tra với 71 khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai để không phải thanh tra các khoản vay của nhóm 71 khách hàng phát sinh, không thanh tra đối với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Trả lời HĐXX, bị cáo Hưng cho rằng, thời gian thanh tra lâu, trong khi yêu cầu chỉ đạo kết thúc thanh tra sớm nên điều chỉnh kế hoạch chỉ đơn thuần về mặt thời gian.

"Thực tế do điều chỉnh kế hoạch thanh tra, nên thanh tra đã không làm một cách toàn diện, không phản ánh đúng bản chất của 71 khoản vay. Từ đó che đậy hành vi phạm tội của 71 khoản vay này?", Chủ toạ hỏi.

Bị cáo Hưng lý giải lòng vòng, và cho rằng việc thanh tra viên của đoàn chịu trách nhiệm trước trưởng đoàn thanh tra là bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Theo cáo trạng, hành vi của Hưng và Đoàn thanh tra tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 512.000 tỷ đồng.

Chu Lập Cơ khai vợ chỉ đạo ký hồ sơ sai phạm

Phiên toà sáng nay cũng thẩm vấn bị cáo Chu Lập Cơ - chồng Trương Mỹ Lan. 

Bị cáo Cơ thừa nhận hành vi như cáo trạng công bố. Theo bị cáo, việc ký các văn bản trong hồ sơ để thế chấp giúp SCB vượt qua khó khăn.

Chủ toạ hỏi tại sao dùng Times Square thế chấp vào Ngân hàng SCB, ai là người chỉ đạo ký các biên bản họp hội đồng để vay tiền. 

Bị cáo Cơ trình bày để tái cơ cấu, khai vợ là người chỉ đạo và nói việc ký hồ sơ là vi phạm.

"Sau việc làm này tôi đã trở thành tội phạm. Bây giờ tôi mới biết được hành vi của tôi, trước đây tôi không ý thức được. Tôi có khắc phục hậu quả", Chu Lập Cơ thừa nhận.

Bị cáo Chu Lập Cơ bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Bị cáo Chu Lập Cơ.

Theo cáo trạng, hành vi của ông Cơ gây thiệt hại hơn 39.000 tỷ đồng, bao gồm tiền gốc và lãi của Ngân hàng SCB.

Về thiệt hại cho SCB, nhà chức trách xác định tổng nghĩa vụ các khoản nợ do ông Cơ ký hợp thức thủ tục là hơn 39.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo được định giá bởi bên thứ 3 và được SCB chấp nhận, thiệt hại liên đới còn lại là hơn 9.100 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Chu Lập Cơ thành khẩn khai báo. Bị can đã nộp 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Hoàng Thọ

Tin mới