Sáng 18/3, tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, xảy ra tại Công ty Cổ phần Asahi Group – Chi nhánh Thái Bình (Công ty Asahi) từ đầu năm 2018.
Bốn bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Trần Thị Tình (SN 1974, cư trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội; Giám đốc Công ty Asahi); Trần Quang Sử (SN 1966, là anh ruột Trần Thị Tình) và Trần Văn Tứ (em trai Tình, nhân viên Công ty Asahi) và Nguyễn Xuân Bắc (SN 1969, nhân viên Công ty Asahi).
3/4 bị cáo là anh em ruột hầu tòa.
Trong phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 11/2019, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 4 bị cáo nêu trên phạm tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, với mức án: Trần Thị Tình 8 năm 6 tháng tù giam; Trần Văn Tứ 7 năm tù; Nguyễn Xuân Bắc 5 năm tù và Trần Quang Sử 1 năm tù.
Sau khi tòa tuyên án, cả 4 bị cáo trên làm đơn kháng cáo vì cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Sau khi thụ lý và 3 lần tạm hoãn, chiều 18/3, TAND cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ án nêu trên tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình.
Trong phần xét hỏi, sau khi trả lời thẩm vấn của đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, các luật sư về những nội dung, tình tiết liên quan đến vụ án, đặc biệt là trả lời câu hỏi của HĐXX về việc xin giảm nhẹ hình phạt hay kháng cáo kêu oan, 4 bị cáo đều trả lời là “bị cáo xin kháng cáo kêu oan”.
Tuy nhiên, trong phần tranh tụng, vị đại diện VKS giữ quyền công tố khẳng định, 4 bị cáo không có đủ cơ sở để kháng cáo kêu oan.
Sau đó, phiên tòa tiếp tục phần trang tụng, với phần trình bày quan điểm của các vị luật sư bào chữa cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thái Bình, Công ty Asahi (số 226 đường Lý Bôn, phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) do Trần Thị Tình (SN 1974, cư trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) làm Giám đốc. Công ty Asahi hoạt động theo ủy quyền của Công ty Cổ phần Asahi Group (trụ sở chính tại phố Mai Dịch, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Ngành nghề kinh doanh gồm: Giáo dục nghề nghiệp, hoạt động tư vấn quản lý, dịch vụ hỗ trợ giáo dục, cung ứng và quản lý nguồn lao động (chỉ hoạt động sau khi có giấy phép do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp).
Công ty Cổ phần Asahi Group Chi nhánh Thái Bình không được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Quang cảnh phiên tòa.
Ngày 22/2/2018, Trần Thị Tình cử nhân viên Công ty Asahi là Nguyễn Xuân Bắc (SN 1969) và Trần Quang Sử (SN 1966, là anh ruột Trần Thị Tình) vào TP.HCM để gặp Nguyễn Thị Trà Mi – Giám đốc Công ty Tư vấn giáo dục Hiền Mi để làm việc.
Khi về, Bắc gọi điện cho Tình nói lại nội dung đã trao đổi với Mi và việc Mi trao đổi chương trình đưa người đi sang Hàn Quốc lao động dưới hình thức đi du lịch. Tình nói, Công ty Asahi không có chức năng đưa người đi Hàn Quốc lao động và đề nghị Bắc kiểm tra lại thông tin, nếu thấy khả thi thì Tình đồng ý cho triển khai.
Sau khi Bắc kiểm tra thông tin và trao đổi lại với Tình về chương trình đưa người đi sang Hàn Quốc lao động dưới hình thức đi du lịch có thể thực hiện được, Tình đồng ý cho triển khai tư vấn và giao cho Trần Văn Tứ (em trai Tình, nhân viên Công ty Asahi) chịu trách nhiệm chính.
Do Công ty Asahi không được cấp phép đưa người đi Hàn Quốc lao động nên Công ty Asahi không ký hợp đồng với người đăng ký đi lao động tại Hàn Quốc, không hạch toán các khoản thu, chi từ chương trình này vào hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Asahi.
Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1991, nhân viên kế toán Công ty Asahi) khi thu tiền đánh máy giấy biên nhận tiền để Nguyễn Xuân Bắc đại diện Công ty Asahi ký và đưa tiền cho Trần Văn Tứ quản lý, chi tiêu. Sau khi mọi việc xong xuôi sẽ cân đối thu chi và chia lợi nhuận.
Cũng theo cáo trạng, từ cuối tháng 2/2018 đến 4/2018, lợi dụng danh nghĩa Công ty Asahi, Tình, Tứ, Bắc đã tổ chức đưa 13 người thuộc các huyện Đông Hưng, Tiền Hải, Thái Thụy, Hưng Hà (Thái Bình) và 1 công dân ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) xuất cảnh sang Hàn Quốc bằng hình thức đi du lịch nhằm mục đích ở lại lao động.
Khi tư vấn, Tình, Bắc, Tứ, Sử đều nói cho 14 người đăng ký đi lao động biết giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ký kết hợp đồng lao động nên không thể đi theo đường chính ngạch, nếu muốn sang Hàn Quốc lao động thì Công ty Asahi sẽ bố trí đi theo dạng C3-4, tức là Visa thương mại (dạng C3-4 không có trong danh mục đi Hàn Quốc theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Sau khi sang đến đảo Jeju Hàn Quốc thì sẽ chuyển sang dạng Visa F1, tức visa bảo lãnh lao động. Những người trên sau khi nộp tiền, được bố trí học tiếng Hàn Quốc tại trụ sở Công ty Asahi.
Đối với những người chưa có hộ chiếu, Trần Văn Tứ chỉ đạo Trần Văn Hiếu (SN 1980, nhân viên Công ty Asahi) đưa đến Phòng Quản lý Xuất cảnh Công an tỉnh Thái Bình để làm. Quá trình làm các thủ tục để xuất cảnh, Trần Văn Tứ và Nguyễn Xuân Bắc đã yêu cầu những người lao động chuẩn bị hồ sơ gồm: bản sao chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, hộ khẩu, ảnh (3x4).
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện KSND tỉnh Thái Bình kết luận: Trong khoảng từ 2/2018-4/2018, các bị can: Trần Thị Tình, Trần Văn Tứ, Nguyễn Xuân Bắc, Trần Quang Sử biết Công ty Asahi không được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng các bị cáo đã tư vấn, thu tiền, tổ chức cho 14 người sang Hàn Quốc lao động dưới dạng đi du lịch rồi tìm cách ở lại làm việc.
Trong đó, bị can Trần Quang Sử trực tiếp tư vấn 1 trường hợp; các bị cáo Tình, Tứ, Bắc tư vấn, thu tiền tổ chức đưa 14 người sang Hàn Quốc lao động trái phép. Số tiền các bị can đã thu: 5 người đã nộp 10.500 USD, 7 người đã nộp 11.000 USD; 1 người nộp 2.000 USD và 1 người nộp 20.020.000 đồng.
Sau khi không được nhập cảnh vào Hàn Quốc, các bị cáo chủ động trả lại toàn bộ số tiền đã nhận của 14 người nêu trên.
Các bị cáo lần lượt trả lời câu hỏi của các luật sư.
Do đó, Viện KSND tỉnh Thái Bình xác định, hành vi của bị cáo Tình, Tứ, Bắc phạm vào tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, theo quy định tại điểm a, khoản 3 điều 349 Bộ Luật Hình sự; Bị cáo Trần Quang Sử phạm vào tội danh này nhưng xử lý ở khoản 1 điều 349 Bộ Luật Hình sự.
Đáng chú ý, trong vụ án này, các bị cáo khai, Nguyễn Thị Trà Mi dưới danh nghĩa Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giáo dục Hiền Mi đã phối hợp cùng các bị can đưa 14 người sang Hàn Quốc bằng con đường đi du lịch, sau đó ở lại lao động. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình vào cuộc điều tra xác minh, ghi lời khai của Mi, Mi không thừa nhận giúp sức cho các bị cáo trong việc đưa 14 người đi Hàn Quốc lao động trái phép. Mi chỉ giúp Tình mua vé máy bay và đặt phòng khách sạn tại đảo Jeju Hàn Quốc cho đoàn 14 người đi Hàn Quốc do Tình nhờ.
Tình nói đoàn khách là nhân viên Công ty Asahi và người thân của họ muốn đi du lịch theo diện miễn visa. Mi không biết và không liên quan gì việc các bị cáo tổ chức đưa 14 người xuất cảnh sang Hàn Quốc lao động trái phép.
Sau nhiều lần làm việc, Cơ quan an ninh điều tra đã nhiều lần triệu tập Nguyễn Thị Trà Mi để làm việc nhưng Mi không có mặt tại địa phương (Ấp 4, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); chính quyền địa phương không nắm được Mi đi đâu, làm gì. Do đó, Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của Nguyễn Thị Trà Mi để xử lý theo quy định của pháp luật khi có đủ căn cứ.