Video: Nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến tiếc thương nhạc sĩ Phó Đức Phương
Tôi gặp nhạc sĩ Dương Thụ trong một buổi sáng mùa thu Hà Nội, trời lất phất mưa… Ông vừa từ Sài Gòn ra. Bước qua độ tuổi "thất thập cổ lai hy", ông đón nhận sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương – người bạn lâu năm của mình theo cách điềm tĩnh nhất. Thế nhưng, đằng sau đó là những trăn trở và nỗi đau mất mát…
“Chúng tôi cùng có một giấc mơ”
“Sinh-lão-bệnh-tử, đó là quy luật nhưng bản thân Phương (nhạc sĩ Phó Đức Phương) vẫn tha thiết muốn được sống, chúng ta cũng muốn một người như Phó Đức Phương tiếp tục công việc như anh ấy mơ ước cả cuộc đời…”, nhạc sĩ Dương Thụ đã mở lời bằng một tiếng thở dài như thế.
Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường và Dương Thụ - bốn gương mặt lớn của âm nhạc đương đại Việt Nam được gắn kết với cái tên "Bộ tứ sông Hồng". Đằng sau danh xưng này là câu chuyện của 4 nhạc sĩ - 4 cá tính âm nhạc, 4 phong cách sống khác nhau nhưng cùng “gắn bó bởi nỗi nhớ về một thời trải qua chiến tranh, một thời đổi mới, một thời đầy vui, buồn, đầy đắng cay và cả những oan ức” như những gì nhạc sĩ Trần Tiến từng chia sẻ.
Nhắc đến danh xưng ấy, ông lại nhẹ nhàng nói, ông thích cái tên “Bộ tứ Hà Nội” hơn bởi bốn người đều ở Hà Nội, rất giản dị, rất đời thường. Thời còn vô danh, 4 người sống loanh quanh ở mấy khu phố Hà Nội lân cận: Dương Thụ ở Chân Cầm, Phó Đức Phương ở Bát Đàn, Nguyễn Cường ở Hàng Bạc, còn Trần Tiến thì ở gần ga Hà Nội. Họ quen biết nhau từ thuở hàn vi. Nhưng dù có là tên gọi gì đi nữa thì 4 con người ấy cũng gắn kết với nhau theo cách rất riêng.
“Bọn tôi có 4 người, thân nhau từ lúc hàn vi. Không phải là nhóm nhạc tuyên ngôn để làm cái gì đâu mà là những người bạn bình thường. Đến gia đình nhau như người ruột thịt, nó không giống kiểu tình bạn của các ông nhạc sĩ với nhau, chơi với nhau vì nổi tiếng. Chúng tôi chơi với nhau từ lúc vô danh, tôi cũng vô danh, Cường cũng vô danh, chỉ có Phương nổi tiếng, còn Trần Tiến thì lúc đó cũng chưa nổi tiếng lắm.
Chúng tôi cùng có một giấc mơ giống nhau, coi nhau như anh em ruột thịt. Một cái gì rất đời thường, một cái gì rất giản dị trong mối quan hệ đó. Cũng có lúc giận nhau, cũng có khi thế này thế kia nhưng đến tầm này, tuổi già rồi nhận ra có một mối quan hệ như thế này thật là tốt”.
Nói về những người bạn của mình, nhạc sĩ Dương Thụ cứ say sưa, cứ như thể mọi thứ đã được “lập trình” sẵn, thân thuộc đến mức chỉ cần có ai đó gợi mở một chút thôi là cả một bầu trời ký ức hiện về.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng sáng tác một câu vè rất thú vị để khái quát chân dung và cá tính âm nhạc của từng người trong "Bộ tứ sông Hồng": Thụ sang - Cường hoang - Phương tàng - Tiến lãng.
Mỗi người đi theo những hướng khác nhau, con đường và phong cách âm nhạc của mỗi người cũng mỗi khác. Không ai can thiệp đến ai, nhưng hễ cần là sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ nhau, thậm chí còn làm phù rể trong đám cưới của nhau.
"Bộ tứ sông Hồng" truyền cảm hứng cho những sáng tác của nhau. Theo lời nhạc sĩ Trần Tiến, những sự cạnh tranh nho nhỏ, đáng yêu giữa các nhạc sĩ khi thấy đồng nghiệp có sáng tác hay kích thích họ phải làm được những điều tương tự. Bởi vậy, cả bốn nhạc sĩ đều có một sự nghiệp bền lâu với những sáng tác nổi tiếng mang những giá trị lịch sử, nghệ thuật theo dòng chảy lịch sử của đất nước và âm nhạc.
Sức sống của các tác phẩm gắn với “Bộ tứ sông Hồng” đã vượt ra khỏi khuôn khổ ban đầu để trở thành tiếng nói chung cho cả một thế hệ đầy gian nan, vất vả, nhưng đầy tự hào. Với riêng Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến – họ là những gương mặt nổi bật và là đại diện cho thế hệ bản lề của âm nhạc đương đại Việt Nam.
Điều tiếc nuối nhất trước sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương có lẽ là bộ tứ ấy chưa kịp làm chung với nhau một live show âm nhạc như họ từng hứa hẹn, dù một kịch bản rất đặc biệt đã được lên từ lâu.
“Có một kịch bản rất hay, tái hiện ký ức 4 người về âm nhạc gắn với tất cả những biến động của xã hội. Sử dụng rất nhiều tư liệu về âm thanh, hình ảnh… để dựng lại cả cuộc đời của chúng tôi nhưng chưa làm được. Trần Tiến lại đang bệnh, cũng không ra viếng Phương được. Tôi nghĩ rằng sau khi Phương mất, mình phải làm gì đó. Đợi Tiến khỏi bệnh, chúng tôi phải làm chương trình gì đó, không thì lỡ dở hết…”, nhạc sĩ Dương Thụ trăn trở vì dự định của bốn người vẫn còn dang dở.
"Phó Đức Phương chưa hết đâu"
Vậy là, một mảnh ghép của "Bộ tứ sông Hồng" - nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ra đi. Ông qua đời trưa 19/9 tại một bệnh viện quốc tế ở Hà Nội sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư tụy. Dù đang ốm nằm viện, nhạc sĩ Trần Tiến cũng đã có những dòng chia sẻ xúc động gửi đến người bạn tri kỷ của mình.
“Nước rồi cũng bốc hơi, ai rồi cũng phải bay về đâu đó. Ta sinh ra là bước vào con đường đi đến cõi chết. Ta không sợ chết, chỉ sợ sống chưa đủ.
Tôi không biết chắc anh Phương còn thiếu điều gì chưa làm xong. Vợ anh đẹp, con anh khôn, làm nhạc giỏi hơn cha là nhà có phúc. Anh lo cho đồng nghiệp chuyện bản quyền bạc cả tóc, lại chạy vạy cùng tôi làm đơn lên Chính phủ cứu Thủ đô dừng làm tàu điện trên cao Cát Linh- Hà đông khiến phố phường bị phá nát. Anh bỏ viết nhạc làm những điều mình cho là đúng. Chắc anh còn điều gì đó mà thấy mình sống chưa đủ.
Tôi cũng như mọi người Việt yêu nhạc thì thấy anh đã sống đủ rồi. Chỉ cần vài khúc ca để lại trên đời rồi bay đi. Thế là đủ một cái tên nhạc sỹ Phó Đức Phương. Những khúc ca như dấu chim thiêng không phải ai cũng có, rồi sẽ lẫn lộn và bay đi cả đàn rợp trời nhiều thế kỷ, biết dấu chân nào của anh Phương, anh Hoàng Vân, Đỗ Nhuận... Nhưng ai cũng biết đó là loài chim của thiên đường, của người nhà Trời.
Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng mấy ai biết sống sao cho tử tế như các anh. Chia tay anh vài dòng như lời tự nhủ thôi. Ở nơi anh đến. Nhớ kiếm vài hòn đá trong rừng yên tĩnh, để nhóm bốn anh em cùng ngồi. Bên ly rượu hồ đào, bên một nàng tiên ít nói. Mình nhâm nhi và lặng lẽ ngắm cái đẹp với một chút lâng lâng. Thế người ta gọi là trời đánh cũng chưa chết.
Với tôi, sống hay chết không quan trọng bằng, bạn có hạnh phúc không”.
Có câu nói:“Trần gian chỉ là cõi tạm, chết là hết”. Nhưng với những người ở lại như nhạc sĩ Dương Thụ, sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương – người anh em thân thiết của mình đó chỉ là một khởi đầu mới trong hành trình khẳng định giá trị “vĩnh hằng” của cái đẹp, sự cống hiến cho âm nhạc.
“Người ta nói chết là hết nhưng Phương chưa hết đâu, bởi vì những bài hát mà mình làm ra mà nó sống đó là chính mình. Mỗi lần hát là một lần nó sống, đó là lời an ủi lớn nhất đối với bạn tôi. Phương có thể yên nghỉ và hiểu rằng và nghĩ rằng mình còn được sống trong những tác phẩm của mình. Chúng ta sẽ còn thấy Phó Đức Phương sống nhiều lần trên sân khấu, truyền hình qua những bài hát của anh ấy, đó là niềm an ủi của bạn tôi khi anh ra đi…”
Một Dương Thụ lúc nào cũng nghiêm túc nhất trong bốn người. Ông tự nhận âm nhạc của ông không theo một dòng nào, mà có “một chút gần với cổ điển, một chút gần với dân gian và một chút gần với nhạc nhẹ”.
Một Phó Đức Phương với tâm hồn vừa hào sảng vừa dung dị với tình quê, tình đất.
Một Nguyễn Cường “yêu dân ca đến mức sùng bái”.
Và một Trần Tiến với cá tính âm nhạc vừa có chất đời, vừa có chất thiền.
Nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Trần Tiến (tính từ trái sang)
4 con người với 4 cá tính âm nhạc khác nhau. Họ sinh ra cùng một thế hệ - thế hệ bản lề của những nhạc sĩ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họ hứng chịu trọn vẹn cái khốn nạn và bi hùng của cuộc chiến, đã cùng trải qua những ngày tháng đói rét, khổ đau… nên hiểu được giá trị của tình bạn chân thành.
Tạm biệt một mảnh ghép của "Bộ tứ sông Hồng". Chúng tôi xin dùng từ “tạm biệt” thôi, bởi lẽ từ nay cho đến mai sau, 4 con người ấy vẫn sẽ tiếp tục gặp nhau trên hành trình cống hiến và mang đến những giá trị vĩnh hằng cho âm nhạc…