Nguyễn Hải Phong không chỉ là một trong những nhạc sĩ thành công nhất showbiz Việt với loạt hit đình đám như “Ba kể con nghe”, “Dòng thời gian”, “Nơi ấy”,... nam nhạc sĩ trong gia đình còn là một người con hiếu thảo. Mới đây, anh đã bật khóc hạnh phúc tại hậu trường “Tình trăm năm” và gây ấn tượng cực mạnh khi trực tiếp đệm đàn cho bố mẹ cùng hát ca khúc “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong xuất hiện tại chương trình "Tình trăm năm".
- Điều gì đã khiến Nguyễn Hải Phong hạnh phúc đến bật khóc tại hậu trường “Tình trăm năm” như vậy?
Được ngồi nghe những câu chuyện của bố mẹ, tôi rất xúc động. Đây cũng là trải nghiệm đầu tiên nên tôi cũng chưa có cảm giác này bao giờ.
Tôi rời gia đình từ năm 18 tuổi nên không có cơ hội ở gần bố mẹ. Vì vậy, sự gắn bó, kết nối của tôi với gia đình không nhiều. Cùng lắm một năm tôi gặp bố mẹ được vài lần ngắn ngủi và cũng chỉ đưa ông bà đi chơi, thăm thú, ăn uống chứ tôi không sống chung và ở cạnh bố mẹ thường xuyên.
Cũng đã hơn 2 năm vì đại dịch, nay mới có dịp đưa ông bà vào thăm. Nhân cơ hội này, tôi thuyết phục ông bà tham gia chương trình “Tình trăm năm". Thật sự chuyến đi này hay quá! Qua lời kể của bố mẹ, tôi thấy xúc động và tự hào về tình cảm, tổ ấm của gia đình mình. Nhưng cũng hối tiếc vì không còn nhiều thời gian ở bên bố mẹ nữa.
Nguyễn Hải Phong hạnh phúc bật khóc trong hậu trường.
- Anh đã thuyết phục bố mẹ tham gia chương trình như nào?
Khi chương trình mời, tôi nhận lời ngay. Tôi thuyết phục ông bà: “Bố mẹ cố gắng tham gia để sau này con cháu xem lại thấy ông bà, hàng xóm xem cũng vui. Bố có những câu chuyện hay trong quá khứ kể lại cho thế hệ trẻ nghe thì càng tốt như chuyện tình yêu của ba mẹ ngày xưa trong sáng thế nào; trải qua giai đoạn ông bà nuôi con vất vả ra sao; lớn lên trong những thời kỳ khó khăn của đất nước, xã hội thì ông bà đã vượt qua và giữ cho năm đứa con lành lặn thế nào;...”
Tôi thích “Tình trăm năm" vì đây là một chương trình hay và ý nghĩa. Do chương trình có hạn nên hôm nay, bố mẹ cũng chưa kể được hết. Tuy nhiên nhiêu đó cũng cảm thấy đã và nhiều ý nghĩa rồi. Giống như cảm giác ban đầu của bố mẹ tôi, nhiều người ngại vì họ nghĩ lên chương trình phải nói chuyện suôn sẻ, mọi thứ phải hoàn hảo. Nhưng chương trình đang cần những điều tự nhiên và mang đến những điều giá trị, chứ mình lên truyền hình không phải để hoàn hảo. Tôi rất mừng vì bố mẹ tôi vẫn có thể tham gia chương trình, bởi vì nhiều người muốn nhưng không có đủ sức khỏe để tham gia hoặc họ không đủ gắn bó.
Tôi cũng nghĩ đã có nhiều gameshow vận động rồi, còn “Tình trăm năm” là chương trình dành cho người lớn tuổi, nên không việc gì phải ngại. Hơn nữa, khi ông bà lên chương trình thì con cháu xem lại được, giữ hình ảnh ở đó để kỉ niệm. Những câu chuyện của ông bà chia sẻ được cho những người sau, hay những hoài bão chưa thực hiện được thì con cháu sẽ hỗ trợ. Tới giờ này khi tham gia trải nghiệm xong, tôi thấy nên tham gia, rất nên tham gia và nếu được tham gia nhiều lần càng tốt rất ý nghĩa.
Nguyễn Hải Phong: Tôi tự hào về tổ ấm của mình
- Cuộc sống thường ngày, sức khoẻ của ông bà thế nào?
Bố tôi 3 năm trước khỏe hơn bây giờ nhiều. Gần đây ông bị lãng tai, đi lại chậm nhưng đối với độ tuổi của bố thì tôi thấy ông rất khỏe. Bây giờ ông vẫn đạp xe đạp mỗi ngày vài cây số và chở mẹ trên xe máy bình thường, tỉnh táo. Cần chở hàng hay gì đó đều chở được không cần nhờ con. Lên xuống cầu thang bình thường, khỏe khoắn. Bố tôi vẫn nhậu ngon lành, ngày nào buồn buồn, bố con làm vài lon bia xong bật karaoke lên hát. Ở tuổi 86 mà bố sống đời khỏe khoắn như vậy tôi rất mừng.
Mẹ tôi nhiều năm gần đây có bị dạ dày, bắt đầu yếu nhiều, người mệt nhọc, đi lại khó khăn, không lo được những sinh hoạt căn bản, không chủ động được nhiều nữa bố tôi phải đi theo phụ giúp bà ăn uống, dìu đi cầu thang, lo lắng từng chút cho bà. Ngoài ra bà cũng có một phần trầm cảm của tuổi già, suy nghĩ nhiều kiểu như nuối tiếc vì nhiều điều chưa làm được. Tôi nhận ra được điều đó nên cũng hay trò chuyện để mẹ đỡ buồn hơn.
Tôi thấy vui vì từ xưa đến giờ bố mẹ cứ “anh em anh em” suốt ngày. Nhiều gia đình ganh tị vì thường các cặp đôi lớn tuổi họ hay tách rời nhau ra mỗi người một góc nhưng bố mẹ tôi thì quấn quýt suốt thôi!
Nguyễn Hải Phong bất ngờ lao lên sân khấu cùng bố mẹ
- Ai là người truyền cảm hứng nghệ thuật để có một nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong như hiện tại?
Tôi giống cả bố và mẹ, nhưng người ảnh hưởng và truyền cảm hứng nhiều là mẹ tôi. Việc theo đuổi hoạt động nghệ thuật cũng ảnh hưởng từ mẹ nhiều. Mẹ tôi là giáo viên dạy nhạc cấp 1 nên từ nhỏ tôi đã biết những thứ căn bản về âm nhạc. May mắn bố mẹ tôi đều có “gen” âm nhạc, ông bà cảm thụ âm nhạc tốt, có năng khiếu, hát đúng nhịp; chỉ là không hoạt động chuyên nghiệp. Tôi thừa hưởng được niềm đam mê âm nhạc từ cả hai.
Về tính cách, tôi thừa hưởng được sự lạc quan, vui vẻ từ bố. Từ bé đến lớn, hai ông bà giáo dục con cháu rất tốt, hi sinh vì con, dạy con tích cực, độc lập không phụ thuộc. Đến bây giờ ông bà đã lớn tuổi nhưng vẫn không phụ thuộc hay làm phiền con cháu, không cần con cháu phải quan tâm hay thăm hỏi nhiều. Ông bà chỉ cần an yên bên nhau thôi!
Bố mẹ tôi quan niệm rằng: “Nhà con không phải là nhà của bố mẹ nhưng nhà của bố mẹ luôn là nhà của con”. Tôi và các anh chị em cảm thấy may mắn thấy may mắn khi được lớn lên trong gia đình có giáo dục tốt.
Nguyễn Hải Phong và bố mẹ kết hợp thể hiện ca khúc "Để gió cuốn đi"
- Anh có chuẩn bị nhiều cho tiết mục đệm đàn cho bố hát không?
Trước đó, tôi và bố không tập trước gì với nhau cả. Để thể hiện được tiết mục đó, bố tôi lo lắng lắm! Tôi cũng động viên: “Bố hát như người bình thường hát chứ không cần phải chuyên nghiệp đâu, nên bố đừng quá lo lắng. Bố nhớ thế nào thì hát thế đó, quên thì dừng lại, không sao hết, sẽ có người đệm đàn cho bố’. Vậy mà mấy ngày vừa rồi bố tôi cứ tập hát mọi lúc mọi nơi, lời thì đã thuộc nhưng cứ hỏi “tone này được chưa, hát như vậy đã được chưa?”. Hôm nay lên sân khấu thấy ông say sưa tôi cũng xúc động lao vào đệm đàn luôn cho bố hát chứ không tập luyện gì trước cả.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ !