Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà văn Mạc Can: Quá nửa đời lưu lạc, xuân không còn tha hương

Cách đây vài hôm, nghe tin ông lại ốm nặng, tôi gọi điện thì ông nói: “Tôi đã về nhà!”, tôi hỏi ông: “Nhà của ai?”, ông bảo: “Nhà của em tôi!”.

Nhiều năm tôi quen biết Mạc Can, từ thưở ông hay ngồi quán cà phê đối diện với Hội quán nghệ sĩ ở 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM tới khi già yếu ốm đau thương nằm ở nhà trọ dưới Thanh Đa. Cách đây vài hôm, nghe tin ông lại ốm nặng, tôi gọi điện thì ông nói: “Tôi đã về nhà!”. Tôi hỏi ông: “Nhà của ai?”. Ông bảo: “Nhà của em tôi!”.

Nhà văn Mạc Can và em gái.

Quá nửa đời “lưu lạc”!

Mạc Can hiện ở trong ngôi nhà của người em gái tên Yến tại Ấp Đình, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TPHCM. Ông nói: “Anh cứ tới ấp, hỏi thăm cái Miếu, nhà tôi gần cái Miếu”.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Mạc Can đi phải chống gậy. Ông vốn rất hoạt bát, nhất là khi diễn kịch hài. Những lúc làm ảo thuật, ông biến hóa cực kỳ nhanh. Giờ đây, hơn 70 tuổi, những cơn đau ốm triền miên muốn đánh gục Mạc Can.

Câu đầu tiên Mạc Can nói với tôi: “Từ hôm ốm đến giờ không còn hút thuốc tẩu nữa, buồn!”. Số là gặp tôi thì ông thường lôi cái tẩu ra đốt khói mù mịt. Nhân thể tôi cũng có một cái tẩu, vừa hầu chuyện ông vừa nói về những cái tẩu xưa, tán về ảo thuật, văn chương, cả ngày không chán. Ông là pho từ điển sống về tất cả các nghệ sĩ, chuyện gì, nhân vật nào, ông cũng nói vanh vách, với một cái nhìn dí dỏm về họ. Nghề nào ông cũng biết, cũng nói hay, từ âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, cải lương, võ thuật, văn học, hài, báo chí, truyền hình…

Mạc Can hẹn ngày tái ngộ. (Ảnh: Trần Nguyễn Anh)

Mạc Can chỉ lên bàn thờ, nơi thờ bố mẹ ông và người anh trai - vốn là nhân vật phi dao biểu diễn xiếc trong tiểu thuyết: “Tấm ván phóng dao”, nói: “Anh tôi mất cách đây không lâu. Mọi người dần rời xa tôi”.

Lần gặp trước, ông vui mừng nói với tôi chuyện một nhà làm phim muốn dựng phim “Tấm ván phóng dao”, lần này gặp lại, ông nói: “Phim đang quay. Tôi cũng đóng được mấy cảnh rồi”. Ngồi trên chiếc ghế, gần như bất động, Mạc Can than thở: “Bộ dạng thế này, không biết đóng tiếp thế nào đây!”.

Chị Mai, một người họ hàng lên chăm nhà văn Mạc Can, động viên: “Về nhà rồi, yên tâm tĩnh dưỡng, có sức khỏe lại đóng phim tiếp!”. Ông gật đầu: “Về nhà vui! Chỗ này khí hậu trong lành, không như chỗ ở thuê”.

Căn phòng Mạc Can thuê tại Bình Thạnh nằm ngay sau phòng khách chủ nhà, trước gian bếp nên nó hoàn toàn không có cửa sổ, chẳng có tí không gian nào. Rít một hơi thuốc tẩu thì khói vấn vít mãi trong phòng. Ngôi nhà hiện tại, có sân, có cửa sổ, nắng gió ngoại ô khiến ông vui vẻ hẳn lên: “Sáng nào tôi cũng được sưởi nắng! Nhưng mà, vẫn chưa đủ sức cầm bút!”.

Niềm tự hào của cả gia đình

Chúng tôi đang trò chuyện thì chị Yến, em ruột của nhà văn đi làm về, trên giỏ xe có rau, thức ăn. Hàng ngày, chị tranh thủ trưa về nấu ăn cho anh trai. Chị Yến sống độc thân. Dường như công việc chăm anh trai làm cho chị bận rộn hơn bao giờ hết.

Chị Yến nói: “Ba tôi là ảo thuật gia, mẹ nội trợ. Nhà có mấy anh em đa phần theo nghiệp ba làm nghệ thuật, chỉ tôi và người anh kế do nhỏ quá không theo được nghiệp của ba. Tôi có người anh chơi đàn ghi ta tại nhiều tụ điểm âm nhạc, dịch COVID-19 này thất nghiệp chứ thường ngày anh đắt sô lắm”.

Chị Yến lại kể: “Nghe tin anh Mạc Can ốm nặng, tôi tìm lên chỗ phòng trọ lôi anh tôi về đây, chứ anh chẳng chịu về đâu. Giờ tuổi cao, đi lại không được, sống một mình nguy hiểm lắm. Anh tôi quen sống với bạn bè, ở một mình. Tôi mà không làm mạnh, anh tôi không chịu về đâu”.

Màn ảo thuật phóng dao do 3 anh em thực hiện, Mạc Can đứng bên phải. (Ảnh: Tư liệu).

Mạc Can phân bua: “Việc tôi thường đi lại với các đoàn làm phim, nhà xuất bản, các báo, giờ giấc thất thường. Tôi phải thuê nhà sống riêng, gần chỗ làm phim, cho tiện. Lâu ngày, thành ra quen sống một mình!”.

Có những năm, Mạc Can “biến mất”, anh em bạn bè đồng nghiệp ở TPHCM kiếm tìm không ra, người bảo ông theo người yêu sang Nhật Bản, có người bảo ông mất tích. Sau gặp lại, Mạc Can bảo: “Tôi đi nước ngoài đóng phim hài, không muốn nói cho ai biết”.

Chị Yến bùi ngùi: “Cả nhà tôi tự hào về anh Mạc Can. Anh là người có tài, thành danh nhiều lĩnh vực, đặc biệt là anh tôi giờ lớn tuổi rồi mà vẫn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Ngày nào cũng có khán giả, bạn bè gọi điện hỏi thăm anh”.

Mạc Can trở về nhà, như một sự kiện rất lớn của gia đình. Chị Yến kể: “Gia đình chúng tôi vốn quê ở Bạc Liêu, xa lắm. Hồi trước nhà có ghe, đi diễn khắp nơi, lênh đênh, nay đây mai đó. Rồi chúng tôi sống ở Sài Gòn, rồi chuyển về Hóc Môn cũng gần hai chục năm rồi đó. Anh tôi tách ra ở trọ từ thủa còn thanh niên. Cũng dễ gần 40 năm anh tôi mới trở về nhà. Bây giờ sớm tối anh em ở bên nhau, cùng ăn cơm, cùng nói chuyện đời, chuyện đạo”.

Xuân không tha hương

Chị Yến đón Mạc Can về nhà cách đây hai tháng. Cả nhà đang chuẩn bị đón Tết.

Hơn nửa cuộc đời tác giả “Tấm ván phóng dao” mới lại sống trong khung cảnh của một gia đình, lại là gia đình của chính mình, xung quanh là các em, họ hàng từ xa kéo đến chăm sóc. Đi lại phải có người dìu, không tự mình đứng lên được nữa, ông vẫn lạc quan đưa bắp tay lên, bảo: “Mạc Can vẫn còn cơ bắp này, vẫn còn con chuột này! Sợ gì bệnh tật!”.

Ngày xuân, Tết sắp tới rồi, chị Mai, chị Yến lau dọn nhà cửa, bàn thờ. Gia đình theo đạo Công Giáo, thờ Đức Chúa nhưng cũng có bàn thờ gia tiên lớn đặt ngay phòng khách.

Chị Yến kể về người cha: “Ba tôi yêu ảo thuật. Nghệ thuật là lẽ sống của ba tôi. Đang đêm, nghĩ ra tiết mục mới, lúc 2 giờ sáng, ba dựng cả nhà dậy, bắt ngồi sắp hàng để ba diễn cho xem. Chúng tôi là những khán giả đầu tiên của ba”. Mạc Can nghe chuyện cũ, tủm tỉm cười: “Ảo thuật thì ai mà không thích!”.

Kể chuyện những màn xiếc mấy anh em phóng dao, chị Yến nói: “Anh hai tôi, anh Mạc Can và chị tôi cùng thực hiện tiết mục. Trăm lần phóng dao thì cũng phải có lần sai, dao đi không như ý muốn, đúng như truyện anh tôi đã viết. Chị tôi bị ám ảnh cả đời vì những con dao, bà ấy bị ốm đau suốt”.

Đang nói chuyện thì chị Yến có điện thoại, hình như bên tổ dân phố mời đi họp. Chị nói với anh trai: “Anh có đi họp không? Họ mời cả Mạc Can kìa”. Mạc Can cười: “Thế à!”.

Vừa lúc, một chiếc ô tô to đùng lù lù đậu cửa. Đoàn đại diện cho báo Tuổi Trẻ Cười tới thăm, tặng báo, tặng quà. Mọi người hỏi: “Chân anh thế nào rồi?”. Mạc Can bình thản: “Vẫn đá bóng được!”. Nói vậy, chứ chân ông không nhúc nhích nổi.

Chị Thanh Triều, báo Tuổi  Trẻ Cười, nói: “Nhà văn Mạc Can là cộng tác viên lâu năm của chúng tôi, anh cũng thường diễn ảo thuật cho toà soạn xem nữa. Bút danh của anh là Ba Khía. Mà này anh Ba Khía, sao dạo này không thấy viết truyện cười nữa?”. Mạc Can đáp: “Máy tính hư rồi”.

Chị Thanh Triều tiếc rẻ: “Số thường có bài của Mạc Can mà số  Tết không có bài Mạc Can. Nguyên do bác bị đau nặng, nhiều tâm tư, gửi tới tòa soạn một bài Tết mà cả tòa soạn đọc đều thấy buồn não ruột, ai cũng thương, truyện buồn quá nên đăng số Tết không hợp”.

Mạc Can nghe xong, cười hiền hậu: “Để Mạc Can khỏe lại, muốn cười bao nhiêu cũng có”.

Chị Yến bùi ngùi: “Cả nhà tôi tự hào về anh Mạc Can. Anh là người có tài, thành danh nhiều lĩnh vực, đặc biệt là anh tôi giờ lớn tuổi rồi mà vẫn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Ngày nào cũng có khán giả, bạn bè gọi điện hỏi thăm anh”.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới