Các quan chức hàng đầu của chính quyền Trump đang tăng cường sức ép lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để nhanh chóng cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 đầu tiên của Mỹ.
Hôm 11/12, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã gọi điện cho Ủy viên FDA Stephen Hahn và thúc giục ông ta sớm thông qua vaccine do Pfizer - BioNtech phát triển vào cuối ngày.
Truyền thông Mỹ đưa tin, Chánh văn phòng Nhà Trắng cảnh báo, công việc của Stephen Hahn sẽ không được đảm bảo nếu FDA không hành động. Tờ Washington Post đưa tin, Meadows yêu cầu Hahn nộp đơn từ chức nếu vaccine không nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp vào cuối ngày.
Vaccine được kỳ vọng sẽ giảm sự lây lan đại dịch COVID-19 tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh: Getty)
Cùng ngày, Tổng thống Trump công khai kêu gọi Hahn đẩy nhanh tiến độ phê duyệt vaccine. Ông Trump đã tweet rằng sự can thiệp cá nhân Hahn làm mất nhiều năm quy trình phê duyệt vaccine thông thường và gọi FDA là "một con rùa lớn, già và chậm chạp".
Trước đó, Hội đồng cố vấn liên bang FDA gồm các chuyên gia hôm 10/12 bỏ phiếu khuyến nghị FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine cho Pfizer và BioNTech.
Hôm 11/12, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cho biết, Chính quyền Trump thông báo mua thêm 100 triệu liều vaccine COVID-19 do Moderna phát triển. Loại vaccine này vẫn đang chờ sự cho phép khẩn cấp từ FDA song nhiều khả năng sẽ được chấp thuận.
Trước đó, Mỹ đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine vào đầu năm nay và những liều này sẽ bắt đầu được vận chuyển ngay sau khi được FDA cho phép, dự kiến sẽ có 20 triệu vào cuối tháng 12.
Theo HHS, lô thứ hai gồm 100 triệu liều sẽ được giao vào quý II năm sau. “Việc đảm bảo 100 triệu liều khác từ Moderna vào tháng 6/2021 giúp mở rộng hơn nữa nguồn cung cấp vaccine”, Bộ trưởng HHS Alex Azar cho biết.
“Việc mua mới này của liên bang có thể mang lại cho người Mỹ niềm tin lớn hơn nữa là chúng tôi sẽ có đủ nguồn cung để tiêm chủng cho tất cả những người Mỹ muốn tiêm vaccine này vào quý II/2021”, Alex Azar cho biết thêm.
Thông tin về vaccine được đưa ra trong bối cảnh Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. Nước này hiện ghi nhận 16.224.484 người mắc COVID-19, trong đó 302.011 trưởng hợp thiệt mạng.