Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi liệu liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu có đủ quân đội để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga ở sườn Đông hay không trong trường hợp xung đột ở Ukraine leo thang, ông Kirby nêu rõ: "Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi hoàn toàn không thấy dấu hiệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin lên kế hoạch tấn công vào lãnh thổ NATO".
Ông Kirby đồng thời nhấn mạnh, Tổng thống Joe Biden coi các cam kết trong Điều 5 Hiến chương NATO rất nghiêm túc, theo đó, cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn liên minh.
Các binh lính thuộc lực lượng đặc biệt của Pháp tại một cuộc tập trận ngày 25/11/2022 ở Cincu, Romania. (Ảnh: AFP)
Ông Kirby cũng cho biết Washington đã triển khai thêm 20.000 binh lính tới châu Âu, đưa tổng số binh lính ở đây lên 100.000. Ông cũng cho biết, NATO "tự tin rằng chúng tôi có khả năng, năng lượng, tài năng, nhân lực và nguồn lực để đáp ứng các cam kết trong Điều 5".
Nga đã nhiều lần khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ ở sườn Đông NATO là một mối đe dọa. Vào cuối tháng 10, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo: "Quân đội Mỹ càng tiến gần biên giới, mối đe dọa đối với chúng ta ngày càng lớn".
Vào mùa thu năm 2022, Ngoại trưởng Nga cảnh báo việc phương Tây vận chuyển vũ khí tầm xa cho Ukraine sẽ vượt "lằn ranh đỏ" và khiến Mỹ trở thành "một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột". Ngày 24/1, Phó Đại diện thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho rằng, phương Tây đang coi thường cảnh báo của Moscow nhưng vẫn cho rằng "lằn ranh đỏ quan trọng nhất vẫn chưa bị vượt qua".
Tuy nhiên, ngày 25/1, Bộ Ngoại giao Nga cho biết tất cả các cuộc trao đổi về lằn ranh đỏ đều đã trở thành "chuyện của quá khứ", đồng thời chỉ ra cuộc "chiến tranh lai" đang diễn ra mà phương Tây phát động nhằm chống lại Nga ở Ukraine.
"Mỹ đã tuyên bố rằng nước này tìm cách gây ra sự thất bại chiến lược cho Nga. Chúng ta không thể phớt lờ thực tế đó", Bộ Ngoại giao Nga cho hay.