Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà Trắng gồng mình tính cách chặn suy thoái kinh tế

Một nguồn thạo tin cho biết các quan chức Nhà Trắng đang rục rịch chuẩn bị các lựa chọn để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và ngăn chặn tình trạng suy thoái.

Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định nền kinh tế Mỹ đang rất khỏe mạnh. Ông và các cố vấn công khai bác bỏ mọi lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Nhưng đằng sau hậu trường, đội ngũ kinh tế của ông vẫn đang lên các kế hoạch dự phòng cho trường hợp kinh tế suy yếu, bao gồm cắt giảm thuế lương và đảo ngược một số mức thuế của ông chủ Nhà Trắng. 

Trong năm 2011 và 2012, chính quyền Obama cắt giảm thuế lương để kích thích sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ từ sau cuộc suy thoái năm 2008. Các quan chức Nhà Trắng có vẻ cũng đang định đi theo kịch bản tương tự. 

Một số quan chức chính quyền cho biết Tổng thống Trump không mấy mặn mà với đề xuất này và thường tránh nói về nó. Cắt giảm thuế lương cần phải thông qua đảng Dân chủ. Nhưng kể từ khi nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1, đảng Dân chủ không cho thấy sự hứng thú với việc cắt giảm thuế. 

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: New York Times)

Mỹ đang trong chu kì nền kinh tế tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, nhưng các cuộc chiến thương mại với các nước, đặc biệt là Trung Quốc khiến các nhà kinh tế lo ngại xứ cờ hoa đang đứng trước bờ vực suy thoái kinh tế. 

Thị trường tài chính toàn cầu vừa chứng kiến một tuần đầy biến động trong bối cảnh lo ngại suy thoái Mỹ ngày càng gia tăng. Lần đầu tiên kể từ năm 2007, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống dưới lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Đường cong lợi suất đảo ngược này thường là cảnh báo cho một cuộc suy thoái. Đây cũng được cho là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch tệ nhất năm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và 19 ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu thời gian qua đồng loạt cắt giảm lãi suất trước lo ngại này.

Ông Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates khẳng định nền kinh tế Mỹ đang chuyển hướng xấu và có tới 40% Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trước cuộc bầu cử năm 2020. 

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers hồi đầu tháng nhận định rủi ro suy thoái hiện "cao hơn nhiều mức cần thiết và cao hơn so với hai tháng trước".

Cắt giảm thuế lương là một phần trong nỗ lực tăng cường hơn nữa chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là động lực của nền kinh tế Mỹ trong năm nay sau khi các doanh nghiệp rút vốn đầu tư. Nhưng đây chỉ là một trong những biện pháp đang được tính đến. 

Các cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng, bao gồm Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump - Larry Kudlow đang thúc đẩy động thái cho phép các nhà đầu tư trả thuế thấp hơn cho lợi nhuận mà họ kiếm được. 

Trong khi đó, ông Trump và các vấn khác tìm cách thúc ép FED nhanh chóng cắt giảm lãi suất và tham gia vào các biện pháp kích thích khác để bơm tiền cho nền kinh tế quốc gia. 

Trên trang Twitter hôm 19/8, ông chủ Nhà Trắng chỉ trích Chủ tịch FED Jerome Powell thiếu tầm nhìn đồng thời kêu gọi Cục này cắt giảm lãi suất ít nhất là 100 điểm cơ bản trong một thời gian ngắn cũng như có thể nới lỏng định lượng.

"Nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế của chúng ta sẽ tốt hơn nữa và nền kinh tế thế giới sẽ được cải thiện đáng kể và nhanh chóng", ông Trump nhấn mạnh. 

Bất chấp tuyên bố lạc quan này, một số cố vấn của ông Trump đang bày tỏ lo lắng về sự thay đổi thị trường và ảnh hưởng thuế quan của ông Trump dự kiến sẽ leo thang vào tháng tới sau khi ông áp thuế lên nhiều hàng hóa Trung Quốc. 

Khi Tổng thống Trump áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, mỗi gia đình Mỹ phải gánh khoản thuế 600 USD hàng năm. Nhưng tới tháng 12, khi các đe dọa đánh thuế được thực hiện toàn bộ và đầy đủ, chi phí đó sẽ tăng lên 1.000 USD cho mỗi hộ gia đình. 

Theo New York Times, một phương án khác cũng được giới chức Nhà Trắng thảo luận là giảm thuế lãi về vốn. Ông Kudlow dường như khá hài lòng với ý tưởng này. Ông cũng nói thêm rằng chính phủ Mỹ đang nghiên cứu giảm thêm thuế đủ bù đắp ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan với Mỹ. 

"Tôi chưa thể nói chắc chắn ngay bây giờ được. Những gì tôi muốn nói là chúng ta vẫn còn nhiều ý tưởng hay để tạo thêm động lực làm việc, tiết kiệm và đầu tư", ông nói

Dưới thời Tổng thống Trump, nền kinh tế Mỹ chứng kiến cú hích bất thường khi tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức thấp. Các chính sách tài khóa đảo ngược các chính sách thắt lưng buộc bụng trong nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Barack Obama giảm thâm hụt ngân sách liên bang. 

Tuy nhiên, trong báo cáo được Bộ Tài chính Mỹ công bố mới đây, thâm hụt đã tăng tới 27% trong tháng 7 cho năm tài chính, so với cùng kỳ năm 2018. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự kiến con số thâm hụt sẽ vượt ngưỡng 1 nghìn tỉ USD vào năm 2020, phần lớn do Tổng thống Donald Trump giảm khoản thuế khổng lồ cho giới siêu giàu trong nước.

Theo các chuyên gia, bất chấp những tuyên bố mạnh miệng, bản thân Tổng thống Trump cũng đang lo ngại hồ sơ kinh tế đẹp mắt mà ông vốn tự hào trước nay sẽ gạch chằng chịt những lời phê xấu xí khi ông đang ở giai đoạn chạy đua quan trọng trong nỗ lực tái đắc cử. Bằng chứng là việc ông liên tục kêu gọi FED cắt giảm lãi suất và dời lịch áp thuế 10% với một số hàng hóa Trung Quốc sang giữa tháng 12. 

Những lời trấn áp liên tục của ông Kudlow hay nhiều cố vấn quốc gia khác kêu gọi người dân ngừng lo ngại về viễn cảnh suy thoái kinh tế gần đây càng khiến nhiều người tin rằng chính bản thân họ đang lo ngại về kịch bản đen tối này. 

Song Hy

Tin mới