Giữa lúc mọi người đang hoang mang, nỗ lực phòng chống dịch bệnh corona, dư luận bức xúc trước hiện tượng nhiều quầy tại chợ thuốc Hapulico cùng treo biển "không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi". Nhiều ý kiến cho rằng không thể có sự trùng hợp là tất cả các cửa hàng này đều đồng loạt hết mọi mặt hàng bảo vệ sức khỏe và không nhập thêm về để bán cho khách. Nhiều ý kiến nghi ngờ đây có thể là phản ứng của các nhà thuốc sau khi bị cơ quan chức năng chấn chỉnh vì hành vi găm hàng, tăng giá.
Hàng loạt cửa hàng treo biển không bán khẩu trang, cồn rửa tay khô. (Ảnh: Ngọc Khánh).
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Ngay cả khi đã hết hàng lưu trữ trong kho, tại sao các quầy thuốc không cố gắng nhập thêm hàng về để bán cho khách, khi nhu cầu này vẫn đang rất cao và việc nhập hàng là thực sự cần thiết, thậm chí còn là trách nhiệm với cộng đồng? Nếu đúng là có việc các nhà thuốc "bắt tay nhau" để không bán hàng cho khách thì hành vi này có bị xử lý không?
Ngay khi có sự phản ánh của báo chí về hiện tượng này, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan liên tục kiểm tra các quầy hàng tại chợ thuốc Hapu. "Chúng tôi đang phối hợp với công an kinh tế để kiểm tra, nếu như phát hiện trong kho còn hàng nhưng nhà thuốc treo biển không bán là cố tình găm hàng và sẽ bị xử lý quy định pháp luật. Có một số trường hợp kinh doanh thuốc tại đây lên Facebook kêu gọi không nhập hàng, bán khẩu trang trên hội nhóm chúng tôi đang phối hợp với công an để kiểm tra, xác minh. Nếu nghiêm trọng, có thể kiến nghị xử lý hình sự".
Trong khi đó, theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM), khẩu trang y tế, nước rửa tay được xem là mặt hàng cơ bản, thiết yếu để người dân phòng chống dịch bệnh corona được quy định tại Điều 15 Luật giá năm 2012 theo đó hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.
Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ; trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể tại địa phương.
Luật giá năm 2012 cũng đã quy định rõ: Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các hành vi: Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Ngoài ra, Điều 17 Nghị định 109 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn xử phạt đối với Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý như sau: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Về hình sự theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với Tội đầu cơ theo đó:
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000.
Nếu như phát hiện quầy thuốc còn hàng nhưng nhà thuốc treo biển không bán cố tình găm hàng và sẽ bị xử lý quy định pháp luật. (Ảnh: Ngọc Khánh)