Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, ngày 25/6 đã đồng ý nhận tội trong một vụ án rò rỉ tài liệu mật lớn nhất lịch sử nước Mỹ, để đổi lấy việc được thả khỏi nhà tù Anh.
Nếu không có trở ngại vào phút chót, thỏa thuận này sẽ chấm dứt cuộc đối đầu dai dẳng giữa ông Assange và Mỹ, kể từ khi ông chủ WikiLeaks được ca ngợi rồi bị chỉ trích vì tiết lộ bí mật quốc gia.
Chúng bao gồm một kho tài liệu được cựu phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning gửi đến tổ chức này. Bà Manning đã cung cấp những thông tin về kế hoạch và hoạt động quân sự của Mỹ trong những năm 2010, trong đó có cả hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
Ngoài ra, tài liệu bị rò rỉ còn có các bức điện tín mật được các nhà ngoại giao chia sẻ. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, WikiLeaks đã công bố hàng nghìn email bị đánh cắp từ Ủy ban Quốc gia Dân chủ, làm lộ những thông tin gây rắc rối cho đảng này và chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks. (Ảnh: New York Times)
Vào năm 2019, một bồi thẩm đoàn liên bang đã buộc tội ông Assange 18 tội danh liên quan đến việc WikiLeaks phát tán một loạt các tài liệu an ninh quốc gia.
Nếu bị kết tội, ông Assange có thể phải đối mặt với mức án tối đa 175 năm tù giam.
Tuy nhiên, theo thỏa thuận mới nhất, các quan chức hàng đầu tại Bộ Tư pháp Mỹ đã chấp nhận yêu cầu mức án 5 năm tù giam, tương đương thời gian ông Assange ở Anh trong thời gian chờ dẫn độ. Thỏa thuận này đảm bảo Assange thừa nhận tội lỗi mà không phải ngồi tù thêm thời gian.
Assange dự kiến sẽ xuất hiện tại tòa án liên bang ở Quần đảo Mariana, một khối thịnh vượng chung của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Lời nhận tội và tuyên án của anh ta dự kiến sẽ diễn ra vào sáng 24/6 (giờ địa phương). Sau đó, Assange được phép quay trở về nơi sinh quán là Australia ngay lập tức.
Đầu năm nay, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đề nghị các công tố viên Mỹ cần kết thúc vụ án, và Tổng thống Mỹ Joe Biden ra tín hiệu rằng ông sẵn sàng cho một giải pháp nhanh chóng.
Ông Assange và những người ủng hộ ông từ lâu đã cho rằng việc nỗ lực lấy được và công khai các thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm là vì lợi ích công cộng, xứng đáng được hưởng các biện pháp bảo vệ theo Tu chính án thứ Nhất dành cho các nhà báo điều tra.
Vào năm 2021, một liên minh gồm các nhóm tự do dân sự và nhân quyền gọi vụ án này là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do báo chí, đồng thời hối thúc chính quyền Tổng thống Biden từ bỏ nỗ lực dẫn độ Assange từ Anh và truy tố ông.
Nhóm lập luận phần lớn hành vi mà ông Assange bị buộc tội là những gì “các nhà báo thường xuyên thực hiện”, cho rằng “các tổ chức tin tức thường xuyên và nhất thiết phải xuất bản thông tin mật để thông báo cho công chúng về những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc đối với công chúng”.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lập luận rằng hành động của ông Assange vượt xa việc thu thập tin tức, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Các công tố viên tuyên bố, tài liệu do bà Manning cung cấp đã đe dọa đến tính mạng của các quân nhân và người Iraq hợp tác với quân đội, đồng thời khiến đất nước gặp khó khăn hơn trong việc chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.
Ông Assange, 52 tuổi, là công dân Australia, bị Mỹ truy tố theo Đạo luật Gián điệp, với cáo buộc tấn công máy tính của chính phủ để thu thập và tiết lộ trái phép lượng lớn tài liệu quân sự mật và các bức điện ngoại giao trên trang WikiLeaks.
Sau khi cáo buộc được đưa ra, cảnh sát London đã ập vào đại sứ quán Ecuador, nơi Assange xin tị nạn nhiều năm trước và thực hiện lệnh bắt giữ vào tháng 4/2019. Kể từ đó, ông bị giam giữ tại Belmarsh, một trong những nhà tù có an ninh cao nhất nước Anh, ở phía đông nam London.
Trong 5 năm qua, ông Assange đã nhiều lần thách thức lệnh trục xuất và vào tháng trước, ông Assange đã thắng kiện trong nỗ lực kháng cáo lệnh dẫn độ.
Ông Assange hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ông cũng vắng mặt trong các phiên tòa xét xử với lý do vấn đề sức khỏe. Năm 2021, ông Assange bị đột quỵ nhẹ khi ở trong tù.