Nội dung trên được Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề cập khi trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9 tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 7/10.
Ông Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cụ thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức các nước: Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Mông Cổ, Cộng hòa Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Pháp, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 tại Hoa Kỳ; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Tổng thống Cộng hòa Indonesia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào…
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. (Ảnh: quochoi.vn)
"Cử tri cho rằng các hoạt động ngoại giao này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, góp phần phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế", Trưởng Ban Dân nguyện nói.
Cũng theo Ban Dân nguyện, cử tri và Nhân dân lo lắng tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, mưa bão bất thường, dẫn đến lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân chưa thể khắc phục ngay.
Cử tri và Nhân dân cũng lo lắng tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống không ổn định đã làm ảnh hưởng đến đời sống, nhất là đối với nông dân và những người thu nhập thấp; thị trường vàng biến động bất thường ảnh hưởng đến tâm lý người dân cũng khiến.
"Nhà ở xã hội bán giá rất cao, người dân thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được. Một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, sẽ tăng nguy cơ bùng phát, lan rộng trong cộng đồng. Tình trạng thiếu thuốc, vaccine và vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số cơ sở y tế công lập do những vướng mắc về đầu thấu mua sắm", ông Dương Thanh Bình nêu.
Ngoài ra, việc vận động mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học, không được sự đồng thuận của phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận, phương án xét tuyển đại học còn gây băn khoăn cho phụ huynh và học sinh.
Đáng chú ý nữa là 3 tháng đã qua (từ ngày 1/7) người có công vẫn chưa nhận được trợ cấp tăng thêm theo Nghị định số 77/2024 của Chính phủ. Việc áp dụng các điều khoản chuyển tiếp của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở bước đầu còn khó khăn gây bức xúc cho người dân…
Ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay.
"Trong đó có giải pháp chủ động ứng phó thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Quan tâm điều chỉnh giá nhà ở xã hội hoặc có các gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, có chính sách khuyến khích việc thực hiện các dự án xây nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp", Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề cập.
Theo Ban Dân nguyện, Bộ Y tế cần có giải pháp để kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; nghiên cứu, có quy định tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm tra, giải quyết khó khăn về thiếu thuốc, vắc xin, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế công lập.
Ban Dân nguyện cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nghiêm việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trong trường học.