Việc tòa nhà Pháp cổ gần 100 năm tuổi ở khu đất 61 Trần Phú (Hà Nội) bị phá dỡ đang được dư luận quan tâm. VTC News phỏng vấn nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến xung quanh câu chuyện này.
- Là một người yêu và viết nhiều tác phẩm về Hà Nội, xin ông cho biết vài nét về lịch sử của tòa nhà Pháp cổ gần 100 năm tuổi ở 61 Trần Phú?
Ngay sau khi xâm chiếm miền Bắc, năm 1884, chính quyền Pháp thiết lập hệ thống thông tin liên lạc từ Bắc vào Nam để phục vụ cho công cuộc cai trị thuộc địa.
Năm 1889, Pháp xây dựng công trình điện thoại ở Hà Nội trên khu đất trước đó là chùa Báo Ân nhìn ra Hồ Gươm. Cuối năm này, đường dây liên lạc hữu tuyến đã thông suốt với Vinh, Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn.
Cùng với việc xây dựng Trung tâm điện thoại Hà Nội, chính quyền Pháp đã xây dựng Cơ xưởng bưu điện Hà Nội tại Voie 209 (đường 209, nay là phố Lê Phụng Hiểu).
Diện tích xưởng nhỏ hẹp có hai dãy nhà cấp bốn lợp mái tôn. Nhiệm vụ của xưởng là sửa chữa, bảo trì thiết bị, máy móc cho các cơ sở điện thoại từ Vinh trở ra ngoài Bắc.
Toà nhà Pháp cổ đang bị tháo dỡ để xây tòa cao ốc.
Năm 1902, Hà Nội được chọn là Thủ đô của Liên bang Đông Dương nên nhiều công trình hành chính, công ích có quy mô lớn, tính mỹ thuật cao đã được xây dựng ở Hà Nội.
Khi bưu điện ở Việt Nam phát triển thì nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng cũng tăng lên nên Cơ xưởng bưu điện nhỏ bé ở Voie 209 không thể đáp ứng được.
Ngày 21/5/1924, Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin đã ký quyết định xây dựng cơ xưởng mới đặt tại lô đất khá rộng, giáp 4 phố gồm: Félix Faure (nay là phố Trần Phú), Brière de I’Ile (nay là đường Hùng Vương), Rue Général Lebloie (nay là Lê Trực) và Duvillier (nay là Nguyễn Thái Học).
Thời vua Minh Mạng, lô đất thuộc thôn Thanh Ninh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội nhưng được lấy để lập đồn Hữu Quân. Đồn nằm sát bên con hào của thành Hà Nội, có nhiệm vụ bảo vệ cửa Tây Nam. Cơ xưởng bưu điện xây dựng năm 1925, hoàn thành năm 1927.
Theo Hiệp định Genève, Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương, Cơ xưởng bưu điện được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản, sau đó bàn giao cho Tổng cục Bưu điện quản lý.
Cơ xưởng bưu điện được đổi thành Cơ sở bưu điện Trung ương với hai nhiệm vụ: sửa chữa và tận dụng nguyên liệu còn lại để sản xuất phương tiện liên lạc hữu tuyến, vô tuyến hỗ trợ cho khôi phục và phát triển bưu điện ở miền Bắc. Sau này được đổi thành Nhà máy thiết bị bưu điện.
chuyen-gia.jpg
Một công trình kiến trúc công nghiệp gần 100 năm có giá trị về thời gian không? Câu trả lời là: Có!
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến
- Trên tòa nhà Pháp cổ cũng còn bức phù điêu ghi dấu một thời đạn bom, một thời hào hùng của Thủ đô ta, thưa ông?
Một thời, Nhà máy thiết bị bưu điện còn có cơ sở nữa nằm trên đường Hùng Vương, xưa cơ sở này là Trung tâm Điện báo Đông Dương phục vụ cho chính phủ bảo hộ.
Tôi được biết trong thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, nhà máy có một khẩu đội súng 12 ly 7 đặt trên tầng cao của cơ sở này. Thời kỳ này, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở miền Bắc đều thành lập các đội tự vệ 12 ly 7 bắn máy bay Mỹ.
Ngày 19/5/1967, một chiếc F-111 bị bắn cháy và rơi xuống phố Lê Trực, đây là chiến thắng chung của quân dân Hà Nội và miền Bắc. Để kỷ niệm chiến công này, chính quyền Hà Nội đã cho đắp bức phù điêu trên tường nhà máy góc phố Lê Trực - Nguyễn Thái Học.
- Ông đánh giá thế nào khi đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng công trình 61 Trần Phú không có giá trị kiến trúc?
Tôi cho rằng, kiến trúc dân dụng và kiến trúc công nghiệp hoàn toàn khác nhau. Kiến trúc công nghiệp thiên về tính thích dụng, còn kiến trúc dân dụng luôn đề cao tính mỹ thuật.
Trước đây trong khu vực nội đô Hà Nội có rất nhiều nhà máy xây dựng trước năm 1954. Theo quy hoạch, các nhà máy này lần lượt được di chuyển ra ngoại thành, duy nhất công trình 61 Trần Phú với lối kiến trúc này còn tồn tại cho đến khi nó bị dỡ bỏ - tháng 4/2022.
Một công trình kiến trúc công nghiệp gần 100 năm có giá trị về thời gian không? Câu trả lời là: Có! Và trong công trình này còn ẩn chứa biết bao nhiêu câu chuyện về lịch sử ngành bưu điện, về giai cấp công nhân Việt Nam…
- Cũng trong cuộc họp này, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng họ làm đúng luật?
Tất nhiên là “đúng quy trình” rồi. Nhưng tôi cũng như nhiều người có quyền đặt câu hỏi: Liệu có cần một công trình cao 11 tầng ở gần Quảng trường Ba Đình không?
- Vậy quan điểm của ông về việc này thế nào?
Tôi thấy rất tiếc khi công trình 61 Trần Phú bị phá dỡ!
Xin cảm ơn ông!
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã xuất bản nhiều cuốn sách khảo cứu về Hà Nội như: Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi xuyên Hà Nội…
Ông nguyên là phóng viên, biên tập viên báo Hà Nội Mới, đã viết hàng trăm bài báo về văn hóa, đời sống, xã hội Hà Nội xưa và nay. Ông cũng là tác giả nhiều kịch bản phim tài liệu về đề tài Hà Nội.