Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà giàu Trung Quốc đua nhau làm từ thiện vì lời kêu gọi thịnh vượng chung

(VTC News) -

Lời kêu gọi về "thịnh vượng chung" của Trung Quốc đặt áp lực lên các doanh nhân giàu có, khiến họ đổ xô đi làm từ thiện để hưởng ứng.

Trong bài phát biểu hồi tháng 8 trước Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố "thịnh vượng chung là yêu cầu cần thiết của chủ nghĩa xã hội và là một đặc điểm của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc". 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh chính phủ nên "điều chỉnh thu nhập quá mức và khuyến khích các nhóm, doanh nghiệp có thu nhập cao trả lại cho xã hội nhiều hơn".

Lời kêu gọi này khiến không ít doanh nhân Trung Quốc như ngồi trên đống lửa. 

Nhiều tháng trở lại đây, hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc đồng loạt góp tiền cho các quỹ hướng tới mục tiêu "thịnh vượng chung". Họ đổ các khoản đóng góp cho các lĩnh vực mà giới chức lãnh đạo hết sức quan tâm như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Nhưng sự "tràn lan" của lòng nhân từ và sự hào phòng làm dấy lên nghi vấn đề việc các hoạt động từ thiện theo định hướng chính sách có thực sự hiệu quả trong việc giảm bất bình đẳng xã hội hay không.

"Một khi chính phủ Trung Quốc nói rõ rằng họ yêu cầu các doanh nghiệp lớn quyên góp, các tập đoàn này sẽ tiếp tục làm vậy cho tới khi những khoản quyên góp này không còn cần nữa. Họ quyên góp trước hết là bảo vệ chính mình. Quyên góp gì, thế nào chỉ là vấn đề thứ yếu với họ", Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại học SOAS ở London.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thắt chặt quyền kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ từ tháng 11/2020 khi đợt IPO (đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Ant Group - công ty liên kết của tập đoàn Alibaba bị hủy bỏ vào phút chót.

Alibaba sau đó bị phạt khoản tiền kỷ lục 2,8 tỷ USD với cáo buộc lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường.

Nhà phát hành trò chơi Tencent, công ty giao đồ ăn trực tuyến Meituan, nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo và ứng dụng gọi xe Didi cũng lọt vào tầm ngắm. Các công ty này hoặc bị phạt hoặc phải hủy bỏ hợp đồng do vi phạm luật chống độc quyền hoặc an ninh mạng.

Theo Ernan Cui, nhà phân tích tới từ Gavekal Dragonomics, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc cho rằng lời kêu gọi "trả lại của cải cho xã hội" mà Chủ tịch Tập đưa ra là nhắm vào mình. 

"Cảm nhận được áp lực chính trị, các tỷ phú công nghệ đã bắt đầu tăng cường quyên góp từ thiện trong năm nay", ông Cui cho hay.

Đua nhau quyên góp

Tổng số tiền quyên góp của 100 doanh nhân trong danh sách tỷ phú Trung Quốc làm từ thiện do Forbes thống kê lên tới 24,51 tỷ NDT, tăng 37% so với năm 2020. 

Ngành công nghệ cũng là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất với 7,8 tỷ NDT tiền quyên góp, chiếm 32% tổng số tiền từ thiện.

Trong 8 tháng đầu năm, 5 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc cam kết quyên góp ít nhất 83 triệu NDT từ tài sản cá nhân hoặc công ty cho các quỹ và sáng kiến từ thiện. 

Brock Silvers, Giám đốc đầu tư tới từ Kaiyuan Capital không rõ sự hào phòng này có thể kéo dài trong bao lâu trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại số tiền của họ sẽ không được dùng đúng mục đích. 

Nhà giàu Trung Quốc hối hả đi làm từ thiện vì lời kêu gọi thịnh vượng chung. (Ảnh: SCMP)

"Sự hỗ trợ của các công ty Trung Quốc với các sáng kiến xã hội là mối lo ngại nghiêm trọng với các nhà đầu tư phương Tây. Họ lo ngại dù các sáng kiến này có thể mang lại tác động tích cực, các cổ đông có thể bòn rút hàng tỷ USD mà không quan tâm tới lịch của của họ", ông Silvers cho hay. 

Để xoa dịu nỗ lo này, giới chức Trung Quốc làm rõ ràng cách tiếp cận của Bắc Kinh với thịnh vượng chung không phải theo kiểu "lấy giàu chia nghèo" mà các khoản đóng góp hoàn toàn là tự nguyện. 

Một số doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực công nghệ chia sẻ họ cảm nhận áp lực tương tự từ lời kêu gọi quyên góp cho mục tiêu "thịnh vượng chung". 

Tom Wang, đồng sáng lập một công ty sản xuất quy mô vừa ở Giang Tô cho biết từ đầu năm, anh đã quyên góp tổng cộng 1 triệu USD. 

"Tôi không thể nói là mình bị ép buộc. Doanh nhân chúng tôi được mời nói chuyện với quan chức địa phương hàng tháng. Khi được công khai hỏi về việc có quyên góp hay không, bạn không thể nói không", anh chia sẻ. 

Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng quyên góp khiến việc quyên góp tiền ở Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Nhưng chính phủ có thể sẽ làm nhiều hơn để khuyến khích các khoản đóng góp.

"Rủi ro của việc chính quyền tham gia quá nhiều là người dân và các công ty quên mất lý do họ làm từ thiện và họ có thể ngừng quyên góp ngay khi áp lực không còn", bà Katja Levy, nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester cho hay. 

Tỉnh Chiết Giang - nơi có hàng loạt công ty tư nhân thành công của Trung Quốc được chọn làm nơi thí điểm cho mục tiêu "thịnh vượng chung". 

Hồi tháng 9, hàng chục cán bộ Đảng của tỉnh này tham dự buổi lễ đánh dấu việc quyên góp một ngày lương. Tại buổi lễ, mỗi người cầm theo một phong bì vàng và nhét vào bên trong chiếc hộp màu đỏ trước sự chứng kiến của một "rừng" máy quay.

David Zhou, 48 tuổi, chủ một doanh nghiệp thương mại địa phương cho biết áp lực đã tăng lên sau khi Chiết Giang được chọn làm khu vực thí điểm. 

"Các quan chức địa phương chủ động thúc đẩy việc quyên góp. Trong hoàn cảnh như vậy, các công ty phải thể hiện phần đóng góp của mình", Zhou nói. 

Anh này cho biết công việc kinh doanh của công ty năm nay không tốt lắm. Dù vậy, anh vẫn góp hàng nghìn NDT cho nhiều hoạt động xã hội khác nhau.

George Magnus, chuyên gia tới từ Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford cho rằng các chương trình xã hội sẽ được hưởng lợi từ các khoản quyên góp. Nhưng tiền từ thiện sẽ chỉ bằng một phần nhỏ của GDP và không giải quyết được các yếu tố cơ cấu quan trọng quyết định vấn đề phân phối thu nhập và của cải.

"Chứng minh cho người dân thấy các công ty tư nhân và tỷ phú đang đóng góp cho các mục đích chính đáng chắc chắn sẽ mang lại lợi ích chính trị. Nhưng nó sẽ không thể thay thế cho việc hoạch định các chính sách đúng đắn", chuyên gia này nói thêm. 

Song Hy

Tin mới