"Chị ơi, chị sang xem thế nào giúp em với. Vợ em đang xếp đồ đòi bỏ đi rồi...” Tôi tá hỏa chạy sang nhà em trai. Thấy nó ngồi thất thần, hai tay ôm đầu vẻ bất lực. Ngó vào phòng ngủ thì thấy vợ nó vừa khóc, vừa xếp quần áo cho vào vali. Thằng cu ba tuổi đang khóc nhếch nhác trong cuộc chiến của cha mẹ...
Tôi bế cháu lên, quay ra hỏi em trai: “Sao ra nông nỗi này?”. Nó vò đầu bứt tai: “Chuyện có gì đâu, em đi làm về muộn, nhà cửa bừa bộn em có nói một chút... Sẵn mẹ gọi điện sang, em kể luôn. Rồi không biết mẹ gọi lại nói gì vợ em mà cô ấy đùng đùng đòi bỏ đi”.
Thôi, thế thì tôi hiểu rồi. Mâu thuẫn này hệt như hàng loạt lần mâu thuẫn trước đó của vợ chồng em trai. Toàn những chuyện nhỏ xíu, lẽ ra vợ chồng nhịn bớt vài lời là đã không xảy ra chuyện gì. Nhưng vấn đề ở chỗ, em dâu thì nóng tính, còn em trai thì nuốt cục tức không đặng nên lần nào nó cũng mách mẹ. Và mẹ tôi lại đẩy mâu thuẫn vợ chồng nó lên cao hơn.
Em dâu cảm thấy tổn thương nên muốn bỏ đi. Ảnh minh họa
Mẹ tôi sinh em trai khi tưởng không thể sinh nở lần nữa, khi ấy tôi đã 12 tuổi. Vậy nên, mẹ cưng thằng em như cưng trứng mỏng, đến ba tôi cũng phải lắc đầu chịu thua. Cũng may, được chiều nhưng em không phải đứa hỗn hào gì. Nó trưởng thành có công ăn việc làm ổn định, chỉ phải cái tính tình trẻ con. Chuyện gì cũng phải hỏi mẹ.
Lần này cũng có khác gì đâu. Nghe chuyện, mẹ tôi xót con trai đi làm vất vả, và cho rằng con dâu làm biếng, có cái nhà cũng không dọn dẹp sạch sẽ, nên gọi điện la mắng um xùm. Mẹ lại còn kể lể căn nhà đó là của ba mẹ cho em tôi, nên con trai mới được quyền lớn tiếng chứ con dâu có quyền gì...
Nước mắt ngắn dài em dâu tường thuật lại như vậy cho tôi nghe. Tôi như chết trân vì những lời kể ẩy. Không nghĩ rằng vì nuông chiều con trai mình, mà mẹ lại nói lời nặng nề như thế.
Em dâu tôi cũng đi làm, về nhà là bận bịu con nhỏ. Tâm tính cô ấy thì tốt, chỉ có điều chưa quen được tính mẹ, tính chồng. Cứ mỗi lần tức giận, cô ấy lại la lối ầm nhà, vậy là mọi chuyện thành rối như canh hẹ. Mà có mâu thuẫn gì đáng cho cam, toàn những lặt vặt, tủn mủn của gia đình trẻ.
Tôi bảo em trai: “Cậu đáng mặt đàn ông không, chuyện vợ chồng không tự giải quyết gì cũng mẹ mẹ?”. “Nhưng chỉ là kể với mẹ thôi mà...”, nó vẫn gân cổ để cãi.
“Ờ vậy cậu cắp quần áo về mà ở với mẹ, chẳng có người vợ nào chấp nhận được cái kiểu đó của cậu đâu”. “ Chị xem thế nào can vợ em đi, cô ấy kiêm quyết lắm...”. “Mặc kệ cậu, lúc này thì cậu không gọi mẹ đến mà giải quyết”.
Nói vậy nhưng tôi vẫn đóng cửa phòng vào ngồi với em dâu. Nó ôm tôi, khóc tức tưởi. Tôi biết những lời của mẹ tôi đã làm cho em dâu bị tổn thương.
"Nhà thì có là gì? Nhà, tự thân nó đâu có làm nên hạnh phúc. Vô vàn người chưa có nhà riêng họ vẫn hòa thuận, yêu thương và trân trọng nhau đó thôi? Có nhà, để kể công, để tỏ thái độ ban phát thì có nhà cửa mà làm gì?", em dâu vừa tức tưởi, vừa nói.
Tôi hiểu nỗi ấm ức của em dâu về chuyện nhà cửa nên chỉ biết lựa lời để cho sự giận dữ của em nguôi lại, nhắc em vì thương thằng bé con mà ở lại, rồi ngồi lại để cùng rút kinh nghiệm. Có cuộc hôn nhân nào là dễ dàng đâu, cũng chẳng có cặp vợ chồng nào sinh ra đã hòa hợp tất cả.
Người ta biết vì nhau, yêu thương nhau theo cách của con người trưởng thành mà tạo thành tổ ấm thôi. Ra đi thì dễ, phá cũng dễ, xây đắp mới khó. Chồng em nhìn sự cương quyết của vợ cũng đã biết hoảng sợ. Nó cũng thương vợ, thương con, chỉ là hành xử thật trẻ con...
Một hồi nghe tôi nói, em dâu cũng xuôi xuôi. Đống quần áo đồ đạc bề bộn, chồng nó lẳng lặng đi xếp vào tủ. Tôi nghĩ, có lẽ lần này em trai đã biết sợ...