Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà báo Thanh Tùng - người 'hầu chuyện các cụ' - nhẹ bước rời cõi tạm

(VTC News) -

Nhà báo Thanh Tùng, người gắn với chương trình "Câu lạc bộ của những người cao tuổi" trên VOV với câu dẫn nổi tiếng "Thanh Tùng xin hầu chuyện các cụ", vừa qua đời.

“Thanh Tùng xin kính chào các cụ và quý thính giả! Thưa các cụ, thưa quý thính giả, hôm nay Thanh Tùng xin hầu chuyện các cụ…”

Những năm 90 thế kỷ trước, bạn nghe đài cả nước đã rất quen thuộc câu chào này của nhà báo Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Trưởng phòng Người cao tuổi, Ban Văn hoá - Xã hội, bởi nó không chỉ đều đặn vang lên mỗi ngày trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam mà còn mang âm hưởng đặc biệt, đậm chất Thanh Tùng.

Trước đó, nhà báo Thanh Tùng đã nổi tiếng với vai trò kép, vừa là tác giả vừa là diễn viên trong các câu chuyện truyền thanh của chương trình Công nghiệp và phân phối lưu thông phát sóng lúc 12h30 Chủ nhật hàng tuần, và trước nữa là ở chương trình phát thanh Thanh niên... Nhưng phải đến khi thực hiện Câu lạc bộ của những người cao tuổi, chất giọng đặc biệt của “Thanh Tùng xin hầu chuyện các cụ” mới thực sự toả sáng, làm mê đắm biết bao thính giả, đặc biệt là những thính giả cao tuổi.

Nhà báo Thanh Tùng làm phát thanh một cách tự nhiên hồn hậu như chính con người ông. Ở thời điểm chúng ta còn rất xa lạ với những talkshow, phóng sự hiện trường, voxpop thì thay vào cách thức truyền thống là phóng viên viết bài, phát thanh viên đọc trên sóng, nhà báo Thanh Tùng đã mở màn cho trào lưu biên tập viên lên sóng “nói với thính giả” chứ không phải đọc.

Cùng với đó, nhà báo Thanh Tùng sáng tạo nhiều hình thức thể hiện trên sóng. Khi phụ trách chuyên mục Điểm và bình thơ người cao tuổi, ông đã tự ngâm vịnh, ứng tác trên sóng để "hầu chuyện" các cụ. Chất giọng đặc biệt, kiến thức uyên thâm, thấu hiểu tâm lý của người cao tuổi đã tạo nên “phong cách Thanh Tùng” riêng có, tạo nên sự tương tác 2 chiều, gắn bó thính giả và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khi nói đến chương trình Câu lạc bộ của những người cao tuổi, thính giả nhớ ngay đến Thanh Tùng và ngược lại, nhớ Thanh Tùng là gắn liền với chương trình Câu lạc bộ của những người cao tuổi.

Nhà báo Nguyễn Thanh Tùng.

Có những thời kỳ, mỗi ngày chương trình nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm lá thư của bạn nghe đài mà phần nhiều là bày tỏ sự yêu mến, ngưỡng mộ với “linh hồn” của chương trình, nhà báo Thanh Tùng.

Trong một bức thư, thính giả Nguyễn Phi Diếu ở thành phố Vũng Tàu viết: “Tôi không biết mình thích nghe đài từ bao giờ, chỉ nhớ rằng chiếc đài đã gần gũi với tôi từ ngày còn bé tẹo. Tôi nghe rất nhiều chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, dành cho trẻ em có, dành cho người già có, từ 'Kể chuyện cổ tích và hát ru cho bé', 'Văn nghệ thiếu nhi', 'Phát thanh thanh niên'... cho đến 'Câu lạc bộ của những người cao tuổi”.

Đặc biệt, tôi như nghiện ông Thanh Tùng, vài bữa mà không nghe thấy giọng ông trên sóng là lo lắng không biết ông có đau ốm gì không, nhớ mong ông như nhớ người thân yêu của mình, đến khi nghe thấy giọng là mừng rơi nước mắt.

Lại nữa, nghe 'Câu lạc bộ của những người cao tuổi' để biết thêm rất nhiều kiến thức hay về tuổi già, học cách đối nhân xử thế. Những câu chuyện ông Thanh Tùng kể gần gũi như chuyện nhà mình. Và rồi nhớ mãi không thôi câu chào 'Thanh Tùng kính chào các cụ, các quý thính giả… Thưa các cụ, thưa quý thính giả... Thanh Tùng xin được hầu chuyện các cụ”.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi chưa có báo Người cao tuổi, chương trình Câu lạc bộ của những người cao tuổi nổi lên như một hiện tượng báo chí đặc biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo người nghe đài, không chỉ người già mà cả giới trẻ. Nhạc hiệu của chương trình trở nên thân quen, dễ đoán nhất trong game show Nghe nhạc hiệu đoán chương trình thời đó.

Chương trình cũng trở thành diễn đàn của người cao tuổi không chỉ ở trong nước mà gây xúc động, nhớ thương, là cầu nối với quê hương cho những thính giả sống ở nước ngoài. Năm 1995, chỉ 5 năm sau khi thành lập, chương trình Câu lạc bộ của những người cao tuổi được nhận bằng khen của Chính phủ, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.  Và ông Thanh Tùng - người hầu chuyện các cụ trở thành người thân của rất nhiều gia đình trên mọi miền Tổ quốc.

Nhà báo Thanh Tùng cùng vợ và các con.

Cùng với chất Thanh Tùng đặc biệt trên sóng phát thanh không trộn lẫn vào đâu được, nhà báo Thanh Tùng còn chắt chiu những con chữ trong 3 cuốn truyện ngắn, tùy bút, tản văn mang tên Đất bồi, Chuyện kể của người già, Những nẻo đời xa.

Văn Thanh Tùng mộc mạc chân chất, giọng văn cứ tuôn chảy sống động, tự nhiên như cuộc sống thường nhật, nhưng đằng sau cái giọng tưởng như tưng tửng ấy lại chứa đựng triết lý sống nhân văn qua những quan sát, chi tiết rất tinh tế.

 

Các tác phẩm của nhà báo Thanh Tùng.

Với thính giả, ông Thanh Tùng được yêu mến gọi với cái tên “Giáo sư Thanh Tùng”. Còn với thế hệ sau làm báo phát thanh, “chú Thanh Tùng” luôn là bậc thầy, người tiên phong thực hiện phát thanh hiện đại ngay từ thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước.

Giờ thì Thanh Tùng - người hầu chuyện các cụ đã đi về cõi hạc, nhẹ nhàng rũ bỏ những suy tư mệt mỏi, những lẽ riêng chung đau đáu… mà nhẹ bước chân mây. Nhưng đâu đó trong tâm trí, nhiều người vẫn nhớ, rất nhớ, vẫn vang vọng, vẫn gần gũi câu chào: “Thanh Tùng kính chào các cụ, các quý thính giả! Thưa các cụ, thưa quý thính giả, hôm nay Thanh Tùng xin được hầu chuyện các cụ...!”.

Thu Hà/VOV2

Tin mới