"Vào cuối tháng 9/2022, 8 quả bom được gài ngoài khơi đảo Bornholm ở biển Baltic, và 6 quả trong số đó đã phát nổ", nhà báo Mỹ Seymour Hersh, từng đoạt giải Pulitzer, nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Berliner Zeitung của Đức.
Ông Seymour Hersh nói thêm rằng 2 quả bom không phát nổ vì đã được gài dưới dưới đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) với thời gian dài sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hoãn chiến dịch phá hủy đường ống này.
Khí đốt rò rỉ trên tuyến Dòng chảy phương Bắc. (Ảnh: AP)
Theo Seymour Hersh, ông Biden không có kế hoạch tỉ mỉ cho việc cho nổ tung các đường ống Nord Stream. “Người Mỹ chưa có kế hoạch cho nổ Nord Stream vào thời điểm đó”, Hersh nói, đề cập thời điểm tháng 1-2 năm 2022.
Ông Biden nói với nhân viên Nhà Trắng rằng, Mỹ có thể cho nổ tung các đường ống bằng chất nổ "cực mạnh" có tên C4, đồng thời cho hay vụ nổ có thể được điều khiển từ xa bằng các thiết bị thủy âm.
Theo Hersh, vào đầu tháng 1, lựa chọn này đã được báo cáo với Nhà Trắng và 2 hoặc 3 tuần sau, chính Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland cho biết Washington "có thể làm được".
Nhà báo Hersh cho rằng, đây là kế hoạch mật và ông Biden lẽ ra không nên tiết lộ với bất kỳ ai về khả năng của Mỹ, nhưng "ông ấy thích nói và đôi khi tiết lộ những điều không nên nói".
Trước đó, Hersh cho biết, chất nổ đã được thợ lặn hải quân Mỹ đặt tại các đường ống dẫn khí đốt vào tháng 6/2022, dưới vỏ bọc của cuộc tập trận BALTOPS 22 của NATO. Quyết định về chiến dịch này được Tổng thống Mỹ Joe Biden đích thân đưa ra sau khi thảo luận với quan chức chính quyền liên quan đến an ninh quốc gia.
Chính phủ Mỹ nhiều lần phủ nhận có liên quan đến vụ nổ các đường ống Nord Stream. Nhà Trắng hôm 8/2 bác thông tin này. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson nói "điều đó hoàn toàn sai sự thật và hoàn toàn là hư cấu".
Trong khi đó, Nga nói cần tiến hành một cuộc điều tra mở về vụ nổ. Hôm 14/2, Ủy ban quan hệ quốc tế của Quốc hội Nga đã thông qua kiến nghị yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc điều tra các vụ nổ đường ống Nord Stream.
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho hay, các quan chức ở Mỹ thừa nhận rằng họ đứng sau các vụ nổ tại đường ống Nord Stream.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện 4 đoạn đường ống rò rỉ trong hai tuyến đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Trong số 4 điểm rò rỉ này, 2 điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và 2 điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.
Các nhà chức trách Nga, Mỹ và EU cho biết những rò rỉ có thể là kết quả của một cuộc tấn công có chủ đích. Phương Tây và Nga lời qua tiếng lại, đổ lỗi cho nhau liên quan đến đường ống Nord Stream bị rò rỉ.
Thuỵ Điển, Đan Mạch và Đức đã mở các cuộc điều tra riêng biệt để thu thập thông tin và tài liệu riêng về sự cố ở đường ống Nord Stream.