Vào 16h40 chiều 8/8, cô bé 13 tuổi nhắn tin cho người bà 72 tuổi đang ở trong bệnh viện. Em chúc bà mau khỏe và chóng hồi phục.
"Con khéo mồm thế", người bà nhắn tin lại. Đó là lần cuối cùng bà nói chuyện cùng cháu gái mình.
4 giờ sau, nước lũ từ trận mưa lớn nhất Seoul trong 80 năm qua tràn xuống căn nhà bán hầm ở phía nam Seoul nơi cô bé đang sống cùng mẹ và dì.
Gia đình em chuyển tới đây sống 7 năm trước. Họ biết căn hộ mình thuê dễ bị ngập mỗi khi có mưa lớn nhưng vẫn chấp nhận vì nó rẻ và gần trung tâm phúc lợi xã hội của chính phủ, nơi người dì mắc hội chứng Down có thể nhận được giúp đỡ.
Trận mưa lớn tấn công Seoul từ 8/8 tới sáng 10/8 khiến ít nhất 8 người mất tích và 11 người thiệt mạng, trong đó có gia đình cô bé 13 tuổi. Thảm họa này bóc trần cuộc sống khó khăn của người nghèo ở đô thị tại Hàn Quốc cũng như cuộc khủng hoảng nhà ở và bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Cầu thang dẫn xuống căn nhà bán hầm nơi gia đình 3 người thiệt mạng. (Ảnh: NYT)
Theo hàng xóm và lực lượng cứu hộ, nước tràn vào mạnh tới nỗi gia đình không thể mở được cánh cửa duy nhất của căn nhà.
Người mẹ liên tục đập cửa cầu cứu. Hàng xóm sau đó gọi tới đường dây 911 nhưng không thể kết nối do có quá nhiều cuộc gọi vào lúc đó.
2 người đàn ông cố gắng giải cứu gia đình mắc kẹt thông qua cửa sổ ngang mặt đường của ngôi nhà. Nhưng những người bên trong không thể chui ra qua lưới thép chống trộm.
"Nước tràn vào nhà trong nhà nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp làm gì", người hàng xóm tên Jeon Ye-sung cho hay.
Jeon vội vã trở về nhà hôm 8/8 sau khi nhận được điện thoại của con gái báo nước đã tràn qua cửa sổ vào ngôi nhà bán hầm của họ. Ông phá được cửa sổ để cứu 3 người con gái của mình nhưng lại không thể giúp được hàng xóm.
Tù túng, chật hẹp
Người có thu nhập thấp ở các khu đô thị của Hàn Quốc thường sống ở các căn nhà bán hầm, hay còn gọi là banjiha. Banjiha là kiểu căn hầm có một phần nằm dưới đất, không có cửa thoát hiểm.
Cuộc sống ở banjiha những ngày mưa lũ được tái hiện chân thực qua những thước phim trong tác “Ký sinh trùng” đạt giải Oscar năm 2020 của Hàn Quốc. Đó là lát cắt về khoảng cách chênh lệch xã hội ngày càng lớn trong nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á.
Ngoài gia đình nói trên, một trong 8 nạn nhân thiệt mạng còn lại trong đợt mưa lũ này là một phụ nữ khoảng 50 tuổi. Bà này cũng sống trong một căn nhà bán hầm ở Seoul. Người phụ nữ chạy về nhà để cứu con mèo của mình nhưng phải bỏ mạng trong dòng nước lũ.
Ở Seoul, nơi giá nhà đất trở nên đắt đỏ, việc sống trong các tòa chung cư cao tầng do các tập đoàn như Samsung và Hyundai xây dựng là biểu tượng của địa vị.
Một cảnh trong bộ phim Parasite khi nam chính (do diễn viên Song Kang-ho thủ vai) nhìn lên cửa sổ từ căn nhà bán hầm của mình. (Ảnh: One Day Korea)
Trong khi đó, hàng trăm nghìn người nghèo sống trong các căn banjiha rẻ tiền, ẩm thấp - nơi họ phải vật lộn để vượt qua sự bất bình đẳng ngày càng tăng.
Vào những năm 1970, do căng thẳng liên Triều, giới chức Hàn Quốc yêu cầu các chung cư thấp tầng phải có tầng hầm làm boongke trong trường hợp khẩn cấp. Việc cho thuê banjiha thời kỳ đó là phạm pháp.
Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt, các quy định sau đó được nới lỏng và nhà bán hầm bắt đầu được hợp pháp hóa.
Hiện tại, cùng với goshiwon (phòng siêu nhỏ) và oktapbang (phòng trọ trên mái các tòa nhà thấp), banjiha trở thành lựa chọn cuối cùng cho những người gặp khó khăn về tài chính.
Trong vài năm trở lại đây, chính quyền Seoul tìm cách giúp đỡ những người sống trong những căn nhà bán hầm bằng cách cung cấp cho họ máy bơm và các thiết bị khác để chống lũ. Hệ thống cống thoát nước ở các vùng trũng cũng được cải tạo để giúp thoát nước mưa nhanh hơn. Giới chức cũng kêu gọi những người sống tại các căn nhà này chuyển tới các căn hộ do nhà nước sở hữu với giá thuê rẻ.
Tuy nhiên, hàng nghìn hộ gia đình với gánh nặng kinh tế vẫn lựa chọn banjiha và chấp nhận cảnh nơm nớp sợ hãi mỗi mùa gió nổi.
Để khắc phục, họ dựng những "con đê' nhỏ bằng bao cát quanh nhà. Khi nước rút, họ phơi quần áo, đồ đạc trong các con hẻm.
Giải pháp từ chính quyền
Số liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho thấy khoảng 366.000 trong số 20,5 triệu hộ gia đình của Hàn Quốc sống trong banjiha vào năm 2018. 63% trong số ấy nằm ở thủ đô Seoul. Tính đến năm 2020, 5% số nhà ở Seoul, tương đương 200.000 ngôi nhà, nằm ở tầng hầm hoặc tầng bán hầm.
Giá thuê một căn banjiha mỗi tháng vào khoảng 170-420 USD, tiền cọc 2.500-8.400 USD.
Binh lính Hàn Quốc giúp đưa đồ đạc ra khỏi một căn hộ bị ngập nước ở Seoul ngày 10-8 - (Ảnh: REUTERS)
Hôm 9/8, Tổng thống Yoon Suk-yeol tới thăm khu phố nơi gia đình 3 người thiệt mạng sinh sống. Ngôi nhà khi đó vẫn ngập trong nước lũ. Gối, bàn ghế, túi nhựa nổi lềnh bềnh bên trong. Ông Yoon phải ngồi xổm trên mặt đường, cúi người nhìn vào bên trong qua khung cửa sổ ngang mặt đường.
Trong khi đó, khu phố vẫn đầy ắp các bao rác, đồ đạc, đồ điện tử bị hư hại do mưa được các gia đình kéo ra khỏi căn hộ bán hầm của họ.
"Khó có thể vớt vát lại thứ gì", bà Park Kyong-ja, 77 tuổi, người sống tại căn nhà kế đó trong suốt 26 năm chia sẻ.
Ông Choi Tae-young, người đứng đầu Trụ sở phòng cháy và thảm họa Seoul nói rằng nước lũ đã chặn cửa ra của các ngôi nhà. Nhưng người dân sống trong khu phố đổ lỗi cho chính quyền đã chậm chạp thông báo cho người về trận lũ. Họ nói nhận được cảnh báo vào 21h21. Hơn 1 tiếng trước, gia đình nạn nhân đã gọi điện cầu cứu hàng xóm.
"Khi tôi chạy tới nhà họ, nước đã tràn vào và tôi không thể nhìn thấy bên trong. Phải vài giờ sau đó cảnh sát và lính cứu hỏa mới bơm nước ra ngoài", Kim In-sook, một người dân sống trong khu phố cho hay.
Một số vật dụng của gia đình nạn nhân vẫn nằm bên ngoài tòa nhà 4 tầng, bao gồm cả một con gấu bông màu trắng. Trong hầm để xe, bốn chiếc xe dính đầy bùn đất.
"Trận mưa xối xả vừa qua là trận lũ tồi tệ nhất trong 115 năm qua. Người nghèo luôn là những người dễ bị ảnh hưởng từ thiên tai. Chỉ khi họ cảm thấy an toàn, đất nước mới trở nên an toàn", Tổng thống Yoon Suk-yeol nói trong cuộc họp với các quan chức ứng phó khẩn cấp hôm 10/8.
Theo Yonhap, chính quyền Seoul thời gian tới sẽ tham vấn với chính phủ để sửa đổi Đạo luật Xây dựng nhằm cấm hoàn toàn việc sử dụng không gian tầng hầm hoặc tầng bán hầm cho mục đích ở.
Cùng với đó, giới chức thành phố này cũng đang lên kế hoạch gia hạn tối đa 20 năm để chủ sở hữu những ngôi nhà ở tầng hầm hoặc tầng bán hầm hiện tại chuyển mục đích sử dụng, sang dạng không phải để ở. Thành phố sẽ hỗ trợ chủ sở hữu các căn nhà này như trợ giá tái chuyển đổi hoặc mua lại để làm nhà kho, cơ sở cộng đồng.