Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng: ‘Công tác phòng chống tham nhũng tạo ra một phong trào, xu thế trong toàn xã hội’

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhìn nhận, công tác phòng chống tham nhũng đã tạo ra một phòng trào, một xu thế trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội.

Ngày 25/6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ mở hội nghị toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì về công tác phòng chống tham nhũng. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, kiên quyết của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Trả lời PV báo điện tử VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã có những đánh giá, nhìn nhận thẳng thắn về công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua.

- Có thế nói chưa bao giờ công cuộc phòng chống tham nhũng được nhắc đến nhiều như hiện nay. Những gì diễn ra trong thời gian vừa qua cho thấy kết quả chưa từng có trong công cuộc làm trong sạch bộ máy?

Công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt từ sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, rồi từ sau Đại hội lần thứ XII, và gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã có những bước tiến rõ rệt và mang lại kết quả. Toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân đều nhìn thấy được kết quả đó.

Đó là điều rất đáng mừng, nó góp phần vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là về phương diện phòng chống suy thoái đạo đức, bởi tham nhũng thuộc về phạm trù đạo đức.

Phải nói, thành quả của công tác phòng chống, xử lý những vụ án tham nhũng lớn đã có những kết quả rõ rệt, trở thành một phong trào mà tất cả mọi người đều có thể tham gia hưởng ứng.

Đó là niềm phấn khởi trước những kết quả ban đầu trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

- Điều gì đã đem đến những thành quả cho công cuộc chống tham nhũng như lúc này, thưa ông?

Có được những thành quả ban đầu đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng. Vừa qua, Trung ương đã rất quyết liệt đề ra mục tiêu, phương châm chỉ đạo và các giải pháp nhằm phòng chống tham nhũng.

Đặc biệt, vai trò lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư là rất rõ. Nếu không, chúng ta đã không thể có được thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng như vừa rồi.

- Nhắc đến phòng chống tham nhũng thì không thể quên vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương?

Sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sự phối hợp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Thanh tra Chính phủ, Cơ quan Nội chính, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và tất cả các cơ quan ấy đồng bộ phối hợp để xử lý vấn đề tham nhũng, tạo ra một nhận thức, hành đồng thống nhất.

Đồng thời là sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu, sự vào cuộc của các cơ quan ấy rất là quan trọng để mang lại kết quả nhất định.

Công tác phòng chống tham nhũng đã tạo ra một phong trào, một xu thế trong trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội, làm cho mọi người có trách nhiệm trong hệ thống chính trị, trong Đảng, trong Nhà nước và cả nhân dân không thể đứng ngoài cuộc, đều góp sức vào công cuộc phòng chống tham nhũng và đem lại hiệu quả.

- Tuy vậy, cuộc chiến chống tham nhũng, quyết tâm làm trong sạch Đảng không phải lúc nào cũng thuận lợi?

Trước hết phải nhận thức được cái tính chất khó khăn, phức tạp của lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Tham nhũng không chỉ là vấn đề của riêng nước mình mà các nước trên thế giới đều phải đối đầu với nó.

Tham nhũng là hiện tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công việc để mà chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của nhân dân, của Nhà nước, để mưu lợi riêng cho mình, cho nên vấn đề này rất phức tạp.

Tham nhũng gắn liền với những người có chức có quyền. Thông thường, tham nhũng chỉ ở những người có chức có quyền, mà những người có chức có quyền, người ta lại rất chú ý để có thể che giấu hành vi của mình; thậm chí còn tạo ra cả những quan hệ, móc ngoặc nhất định để thực hiện hành vi tham nhũng. Vì vậy, phát hiện tham nhũng rất khó, chứ không phải dễ dàng.

- Nhưng vì sao khó loại bỏ tham nhũng đến thế, thưa ông?

Tham nhũng thể hiện cái ham muốn về vật chất của con người, ham muốn mang tính bản năng của con người, cho nên cũng không dễ dàng mà gột rửa được một cách triệt để.

Như Bác Hồ từng nói “người cán bộ cách mạng phải ít lòng ham muốn vật chất” nhưng mà bản thân con người, ở vào những vị trí, nhất là những công việc, hay là tiếp xúc với tiền nong, tài sản, tiền bạc thì ham muốn đó còn mang tính bản năng. Tính phức tạp, khó khăn khi đấu tranh với tham nhũng là như vậy.

- Trong việc xử lý cán bộ tham nhũng, có nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng mới là điểm "cốt tử"?

Việc xử lý cán bộ về kỷ luật Đảng, kỷ luật Nhà nước thì đã rất rõ ràng. Các vụ án được xét xử rất rõ, dư luận rất hoan nghênh. Nhưng cái mà người dân quan tâm nhiều nữa là việc thu hồi tài sản những người tham nhũng đã chiếm đoạt thì việc này còn hạn chế. Theo tôi, đấy cũng là cái hạn chế mà sắp tới phải chú ý hơn.

Ngoài ra, làm sao cuộc đấu tranh chống tham nhũng phải phối hợp chặt chẽ với việc triển khai các nghị quyết lớn của Đảng, như là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05 về học tập Tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, hay gắn với Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tinh giản bộ máy tổ chức, Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ.

- Cái gốc của mọi vấn đề là công tác cán bộ, thưa ông?

Theo tôi, cái gốc vẫn là công tác cán bộ. Nhìn nhận vào tham nhũng toàn những người có chức có quyền cả, có thể nhận thấy công tác sắp xếp cán bộ còn chưa đáp ứng được yêu cầu thì phải sửa cái đó cho nó tốt.

Thứ nhất, lựa chọn bố trí cán bộ cho đúng, nếu mà giao tài sản, giao quyền lực cho những người không xứng đáng, không đủ phẩm chất đạo đức, trình độ thì sẽ “hỏng”, công tác bố trí sắp xếp cán bộ từ đánh giá, lựa chọn, đào tạo phải cho tốt.

Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải phải tu dưỡng rèn luyện tốt hơn nữa, thông qua công tác chỉnh đốn Đảng để bản thân tu dưỡng rèn luyện tốt, rèn luyện tâm huyết, vì nước vì dân. Như Bác Hồ nói “phải học làm người rồi mới làm cán bộ được”.

Thứ ba, phải chú ý giáo dục. Giáo dục trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị phải chú trọng hơn nữa, thậm chí giáo dục phải giáo dục đạo đức từ phổ thông. Xây dựng Đảng về đạo đức là phải hết sức coi trọng và phải có cơ quan lo về lĩnh vực này.

Cuối cùng phải kiểm soát quyền lực cho tốt, siết chặt kỷ luật, pháp luật của Nhà nước, làm những biện pháp rất căn cơ. Luôn luôn phải coi phòng là chính, là căn bản, khi xảy ra vụ này vụ kia rồi thì phải chống, phải xử lý nhưng tốt nhất làm sao để nó ít, thậm chí là không xảy ra.

Tôi tin công cuộc phòng chống tham nhũng đang diễn ra sôi nổi sẽ phát huy được những thành quả vừa rồi để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Trường

Tin mới