(VTC News) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ ra thực tế hiện nay có nhiều cán bộ có chức có quyền tìm cách cho con em trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Sáng 21/11, góp ý cho Luật nghĩa vụ quân sự, đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng Luật nghĩa vụ quân sự hiện nay không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập.
Đại biểu Nguyễn Văn Rinh cho biết thực tế có hiện tượng quan chức tìm mọi cách cho con em trốn tránh nghĩa vụ quân sự |
Luật hiện nay không thu hút được nhân tài cho quân đội, cho nền quốc phòng toàn dân. Trong khi đó, trước đây quân đội cung cấp rất nhiều nhân tài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
“Nhiều công dân tìm cách để trốn trách nghĩa vụ của mình với Tổ quốc. Nhiều người có chức có quyền tìm mọi cách trốn tránh cho con em đi nghĩa vụ quân sự”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.
Ông Rinh cũng cho rằng thực tế hiện nay, chỉ có người thất nghiệp, con em nông dân, con em người dân tộc mới đi nghĩa vụ quân sự. Điều này khiến dư luận xã hội rất bức xúc.
“Lần này phải sửa luật để động viên, thu hút thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, thực hiện công bằng xã hội. Việc sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự là phù hợp”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.
Ông Rinh cũng cho rằng do Việt Nam ở vị trí chiến lược đặc biệt trong khu vực nên khoảng cách giữa chiến tranh và hòa bình cũng không xa. Vì vậy, quân đội luôn cần phải chuẩn bị tiềm lực trong điều kiện chiến tranh xảy ra.
“Luật này sửa đổi phải đảm bảo công bằng xã hội, hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với các luật khác. Cần phải bàn luận kỹ để luật có thời gian sống dài hơn. Đặc biệt là chính sách liên quan đến quyền lợi cho thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự”, ông Rinh nói.
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) |
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Văn Tường (Thải Nguyên) cho rằng xu hướng ngày càng ít con em cán bộ, những người học khá giỏi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.
"Lý do thì nhiều nhưng chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà phổ biến do có nguyên nhân từ góc độ thị trường", đại biểu Trường nêu ý kiến.
Để giải quyết vấn đề chất lượng của người tham gia nghĩa vụ quân sự, đại biểu Nguyễn Văn Tỷ (Bến Tre) đề xuất cần có quy định cụ thể tỷ lệ người tốt nghiệp, đại học tham gia nghĩa vụ quân sự trong luật.
Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng người có trình độ, “con em quan chức, con em gia đình khá giả” trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
|
Những năm gần đây những người nhập ngũ là con em nông dân không có việc làm, chiếm khoảng 80%, có nơi 100%. Tỷ lệ người tốt nghiệp đại học tham gia nhập ngũ thấp. Việc này mâu thuẫn với việc xây dựng quân đội chính quy hiện đại.
Để giải quyết được vấn đề này, đại biểu Tuất cùng nhiều đại biểu cho rằng Luật nghĩa vụ quân sự phải chỉ cụ thể những ưu tiên về việc làm của thanh niên sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự.
Đại biểu Trần Hữu Tuất cũng cho rằng việc đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự không thể chấp nhận được. “Quy định thay thế mất đi tính vẻ vang của nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”, đại biểu Tuất nói.
Đồng thời, vị đại biểu của tỉnh Nghệ An cũng ủng hộ nâng thời gian phục vụ tại ngũ từ 18 tháng lên 24 tháng để đủ thời gian trang bị kiến thức cần thiết, nâng cao chất lượng lực lượng quân đội thường trực. Điều đó cũng đảm bảo công bằng giữa các lực lượng.
Đại biểu Nguyễn Văn Tỷ (Bến Tre) cũng đề nghị cần phải thống nhất mức thời gian tại ngũ là 24 tháng để đảm bảo công bằng giữa các lực lượng.
Bên cạnh đó, đa số đại biểu cũng đồng tình với đề xuất nâng tuổi gọi nhập ngũ đến 27 tuổi theo quy định trong dự thảo Luật.
Phạm Thịnh