Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu ghi dấu ấn lớn trong hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ

(VTC News) -

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên TBT Lê Khả Phiêu tạo dấu ấn đặc biệt, góp phần mở ra chặng đường hợp tác quốc phòng tốt đẹp Việt - Mỹ.

Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ song phương. Chúng tôi có dịp được trò chuyện với Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) để nghe ông kể câu chuyện về giai đoạn hợp tác quốc phòng đầy thử thách của hai nước.

Và đặc biệt là câu chuyện về quyết định quan trọng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về chuyến thăm cấp tướng đầu tiên của phái đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam sang Mỹ năm 1999.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, sau khi Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, hai nước có nhiều cố gắng nhằm hàn gắn vết thương của chiến tranh. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, quan hệ hai bên vẫn chưa có được nhiều tiếng nói chung.

Quan hệ quốc phòng hai bên vẫn còn khoảng cách và chưa thực sự tin tưởng nhau. Và cũng có thể là do hai bên chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa biết làm thế nào để hàn gắn vết thương hậu chiến”, ông Quân cho biết.

Quyết định lịch sử của TBT Lê Khả Phiêu 

Năm 1999, đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ muốn mời Việt Nam tham dự hội thảo về chiến tranh Việt Nam, tổ chức tại Đại học Công nghệ Texas, nhằm nhìn nhận, chia sẻ suy nghĩ về cuộc chiến, đồng thời có thể là cầu nối cho mối quan hệ giữa hai cựu thù. Đây là dịp quan trọng mà hai bên có thể hiểu nhau hơn và nghĩ tới việc đối thoại quốc phòng trong tương lai.

Thông tin lời mời của Mỹ về hội thảo trên được gửi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Washington. Theo đúng chức trách, cán bộ ngoại giao chuyển nội dung về trong nước.

Tuy nhiên, lời mời này không phải chính thức từ Bộ Quốc phòng Mỹ, mà họ thông qua trường Đại học Công nghệ Texas để mời đại diện Việt Nam tham dự. Do đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhanh chóng báo cáo lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trực tiếp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

“Tôi nhớ lúc đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là anh Vũ Khoan báo cáo nội dung thư mời lên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Thế nhưng, lúc này nói đến chuyện đi Mỹ thì tâm lý của Việt Nam còn mặc cảm và khá nặng nề vì vừa qua chiến tranh xong. Cho nên không có mấy người quan tâm lắm đến chuyến đi này”, ông Quân chia sẻ.

"Tuy nhiên, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận định vấn đề một cách sâu sắc và yêu cầu Bộ Quốc phòng cử một tướng lĩnh cấp cao sang tham dự hội thảo tại Mỹ.

Với nhãn quan của người đứng đầu Đảng và sự sắc sảo của vị tướng từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhìn thấy tính cấp thiết của việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai cựu thù”, ông Quân đánh giá.

Ngoài ra, phải kể đến tầm nhìn của người làm chính trị dạn dày kinh nghiệm, bác Phiêu liền yêu cầu cử một cán bộ uy tín đã kinh qua nhiều cương vị, để có thể yên tâm tiếp xúc, làm việc với phía bạn và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao”, ông Quân nói.

Và theo tiêu chí đề ra của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Bộ Quốc phòng quyết định cử Trung tướng, PGS Nguyễn Đình Ước, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đi sang Mỹ dự hội thảo. Ngoài ra, để tiện cho công tác tham mưu và lễ tân, Bộ Quốc phòng cử Trung tá Nguyễn Hồng Quân, lúc đó là Phó Trưởng phòng Quốc tế - Cục Đối ngoại cùng đi tháp tùng.

Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) là một trong 2 người được cử sang Mỹ tham dự hội thảo về chiến tranh Việt Nam năm 1999. (Ảnh: Văn Giang)

Theo ông Quân, quyết định của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về chuyến đi Mỹ lúc này được xem là rất “chính xác, kịp thời và dũng cảm”, vì từ trước đến nay chưa ai đồng ý cho một phái đoàn cấp tướng của Bộ Quốc phòng Việt Nam sang tham dự hội thảo ở Mỹ.

Đó là hành động dám nghĩ, dám làm và có tầm nhìn xa cho tương lai của dân tộc”, ông Quân nói. “Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người rất hiểu tình hình hiện tại, và cũng rất hiểu Mỹ, vì từng nhiều năm đánh nhau với Mỹ. Và những kết quả của chuyến đi sau này đã cho thấy quyết định trên là hoàn toàn chính xác và có ý nghĩa quan trọng”.

Mở ra triển vọng hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, sau khi bình thường hóa quan hệ song phương, năm 1997, Mỹ bắt đầu mở văn phòng Tùy viên Quốc phòng tại Hà Nội, và Việt Nam cuối năm đó cũng mở phòng Tùy viên Quốc phòng tại Washington.

Tuy nhiên, việc trao đổi đoàn theo Bộ Quốc phòng giữa hai bên khi đó hầu như chưa có. Duy nhất là chuyến đi của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Hanh sang thăm Mỹ vào năm 1998.

Tại thời điểm đó, quan hệ quốc phòng hai nước khá rời rạc, chưa có gì đặc biệt, thậm chí chưa có cơ chế trao đổi đoàn giữa Bộ Quốc phòng hai bên. Lúc đó chủ yếu có các đoàn Mỹ sang thăm Việt Nam để thăm lại chiến trường xưa.

Và khi sang thăm Việt Nam, các đoàn Mỹ thường không kết nối nhiều với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Họ chỉ đề nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Tổng tham mưu dành cho buổi tiếp đoàn cho đúng phép ngoại giao.

Bao nhiêu năm kể từ khi bình thường hóa, quan hệ quốc phòng hai bên chỉ như vậy, mà không có bước đột phá nào”, ông Quân nói.

Do đó, chuyến đi của Trung tướng, PGS Nguyễn Đình Ước và Trung tá Nguyễn Hồng Quân sang Mỹ tham dự hội nghị khoa học được báo chí và chính quyền Mỹ quan tâm và đánh giá cao.

Theo đó, chính hoạt động “ngoại giao nhân dân” này đã kéo hai cựu thù lại gần nhau hơn ở nhiều khía cạnh trong lĩnh vực quốc phòng.

Chuyến đi đặc biệt này đã làm sâu sắc hơn việc bình thường hóa quan hệ song phương và nhất là quan hệ quốc phòng. Vì những người tham gia hội thảo là những tướng lĩnh, quân nhân của các bên”, ông Quân chia sẻ.

Đây là cuộc gặp đầu tiên mà tướng lĩnh Việt – Mỹ trao đổi một cách cởi mở các vấn đề sau chiến tranh, trong đó có MIA – tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh và khẳng định không có vấn đề tù binh chiến tranh (POW), đồng thời cũng thảo luận về nhiều vấn đề nhân đạo khác”.

Từ thành công của chuyến đi Mỹ đầu tiên của phái đoàn Việt Nam và những nỗ lực kết nối từ năm 1999 – 2000, hai bên dần hiểu nhau hơn và quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ từng bước được khơi thông và chuyển biến tích cực. Đến năm 2001, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra sáng kiến đối thoại quốc phòng Việt – Mỹ cấp Cục đối ngoại.

Theo lời Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, sau đó, phái đoàn Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức sang thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2001, và năm 2003 Việt Nam cũng cử đoàn sang thăm và đối thoại với Mỹ.

Tại các cuộc đối thoại cấp Cục năm 2001-2003, hai nước Việt – Mỹ xem xét các triển vọng hợp tác trong vấn đề hợp tác rà phá bom mìn, tìm quân nhân mất tích và các vấn đề chất độc da cam.

Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi các vấn đề liên quan đến chuyến thăm của Học viện Chỉ huy- Tham mưu (Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ) sang Việt Nam và Học viện Quốc phòng Việt Nam sang thăm Mỹ. Hai bên cũng bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực quân y.

Việt Nam cũng dần nghiên cứu khả năng hợp tác với Mỹ đào tạo tiếng Anh cho quân nhân, cũng như nhiều hợp tác song phương khác. Cơ chế đối thoại giữa Bộ Quốc phòng hai nước được hình thành và được nâng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2010. Cho đến hôm nay, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ và có những dấu ấn đáng ghi nhận.

Ấn tượng về vị tướng của Nhân dân

Ngồi bên khung cửa sổ, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân rót tách trà mạn mời chúng tôi thưởng thức, rồi chậm rãi kể thêm kỷ niệm về những lần gặp mặt vị thủ trưởng đáng kính Lê Khả Phiêu.

“Năm 1989, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Lào tại Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng mời các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại sứ, Tùy viên Quân sự Lào tới dự. Khách mời của Bộ Quốc phòng là Trung tướng Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp bác ấy và rất ấn tượng về phong cách giản dị, gần gũi của vị tướng can trường”, ông Quân nhớ lại.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn không quân 370, ngày 19/2/1998, tại Cần Thơ. (Ảnh: TTXVN)

Ông Quân cảm thấy đặc biệt vì tính cách hòa nhã, cử chỉ bắt tay, thăm hỏi ân cần cán bộ chiến sỹ của nhà lãnh đạo Lê Khả Phiêu. Sau này, trong quá trình công tác, ông Quân cho biết còn có nhiều dịp tiếp xúc và nói chuyện với Tướng Lê Khả Phiêu.

Có lần trên cương vị Cục phó Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, theo sự phân công của cơ quan, ông Quân tới thăm hỏi Tướng Lê Khả Phiêu trong dịp lễ lớn.

Ngoài tác phong gần gũi với cấp dưới, bác Phiêu là người hiểu biết sâu rộng, hầu như vấn đề nào bác ấy cũng có thể luận bàn được. Và đặc biệt, khi quan tâm đến nội dung nào đó, bác ấy sẽ hỏi rất sâu sắc. Đó là cách hỏi mang tính trao đổi nội dung cụ thể, không phải để phớt lờ vấn đề hay cho xong việc. Nhà lãnh đạo ấy rất tỉ mỉ và sát sao với công việc”, ông Quân nhận xét.

Có một điều khá thú vị khiến nhiều anh em vào thăm hỏi ông thường băn khoăn là phòng khách của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất rộng, kê nhiều dãy ghế ngồi. Nhiều người cho là nếu bố trí nhỏ gọn hơn thì sẽ tạo “uy quyền” lớn cho người lãnh đạo.

Nhưng sau này ông Quân và nhiều cán bộ khác mới biết, lý do bố trí nhiều ghế trong căn phòng rộng là vì Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thường xuyên tiếp xúc, nói chuyện và lắng nghe vấn đề của Nhân dân. Vậy nên, nhà lãnh đạo muốn càng có nhiều chỗ ngồi cho mọi người thì càng tốt.

“Ông Phiêu ít khi câu nệ, không quan cách, mà luôn gần gũi với Nhân dân. Đó là con người không màng đến chuyện tư lợi mà một lòng phụng sự cho đất nước”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nói.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân luôn chất chứa niềm tự hào của người lính, khi chứng kiến người chỉ huy của mình trưởng thành và giữ chức vụ cao, có nhiều cống hiến cho đất nước. Và ở bất kỳ cương vị lãnh đạo nào, người thủ trưởng đáng kính ấy vẫn gần gũi với bộ đội, quan tâm đến những hoàn cảnh thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đấy là tác phong của nhà lãnh đạo lớn, luôn hết lòng vì nước, vì dân”, ông Quân nói.

Nhìn ra khung cửa màu xanh với đôi mắt xa xăm, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nói với chúng tôi rằng, một trong những ấn tượng đặc biệt nhất của ông về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là con người dám nói, dám làm và có nhiều dấu ấn đổi mới quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Hiện nay, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, triển khai là đang tiếp tục đường lối của Hội nghị Trung ương VI lần 2, mà lúc đó Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nêu chủ trương và chỉ đạo thực hiện.

Và những thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo hiện nay khiến Nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, tin tưởng vào chế độ và tin vào định hướng xã hội chủ nghĩa".

"Từ đó chúng ta bày tỏ tri ân lòng dũng cảm, quyết đoán và sự sáng suốt của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, với tư cách là người có công đặt nền móng vững chắc cho cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go, nhưng vô cùng cấp thiết này”, ông Quân nhắn nhủ.

Minh Tuấn - Văn Giang

Tin mới