Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguyên nhân thi hài của Lưu Bị để nhiều tháng mà không bị phân hủy

(VTC News) -

Tính đến thời điểm tổ chức tang lễ, Lưu Bị đã chết được 3 tháng nhưng thi thể không có dấu hiệu phân hủy.

Lưu Bị, tự là Huyền Đức, là hoàng đế khai quốc của Thục Hán, một chính trị gia vào cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Lưu Bị cũng là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Trong tác phẩm này La Quán Trung xây dựng Lưu Bị là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ bác ái, thương dân như con của vị vua hiền đức.

Gặp lúc nhà Hán suy yếu và nổ ra chiến tranh quân phiệt, Lưu Bị cùng hai người huynh đệ kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi tự gây dựng lực lượng và tham gia vào cuộc chiến này. Tuy nhiên, cuộc tranh hùng của Lưu Bị ban đầu không thuận lợi, ông nhiều lần thất bại.

Sau này, Lưu Bị được Gia Cát Lượng phò tá và vạch ra Long Trung đối sách để tranh thiên hạ. Theo đường lối này, ông liên kết với quân phiệt Tôn Quyền ở Giang Đông cùng chống Tào Tháo ở phía bắc.

Lưu Bị là hoàng đế khai quốc của Thục Hán và chính trị gia nổi tiếng thời Tam Quốc. (Ảnh: Sohu)

Tuy nhiên, chiến lược Long Trung đối sách có nguy cơ đổ vỡ vì liên minh với Tôn Quyền rạn nứt, họ Tôn đánh chiếm phần Kinh châu của ông và giết Quan Vũ, khiến Lưu Bị cất quân đánh báo thù và định giành lại đất, sau khi chính thức xưng hoàng đế để kế tục nhà Hán vừa bị họ Tào đoạt ngôi. 

Thất bại ở Di Lăng khiến Lưu Bị suy sụp, đầu năm 223, ông lâm bệnh. Giữa tháng 6 (sử ghi ngày 24 tháng 4 âm lịch) năm 223, Lưu Bị qua đời tại cung Vĩnh An, thọ 63 tuổi. Ông được truy tôn là Chiêu Liệt hoàng đế. Lưu Thiện lên kế vị, tức là Hán Hoài Đế.

Khoảng cuối tháng 9 đến cuối tháng 10 năm đó, linh cữu của ông được an táng tại Huệ lăng. Cùng lúc đó linh cữu Cam phu nhân (Lưu Thiện truy tôn là Chiêu Liệt hoàng hậu) vợ ông được đưa từ Nam quận về Thành Đô, hợp táng với ông tại Huệ Lăng.

Thi thể Lưu Bị nhiều tháng không phân hủy

Sử cũ ghi lại, Gia Cát Lượng đưa linh cữu Lưu Bị về Thành Đô rồi cử hành nghi thức an táng. Như vậy, tang lễ của Lưu Bị phải mất tới 3 tháng mới có thể hoàn thành. Kỳ lạ là trong một số tài liệu viết rằng, thi hài của Lưu Bị không có dấu hiệu phân hủy trong suốt mấy tháng. Trong khi đó, thời điểm Lưu Bị mất là mùa hè, thời tiết nóng nực thường sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy của tử thi.

Dựa trên kỹ thuật bảo quản thời đó, việc tránh để thi thể không bị thối rữa trong điều kiện như vậy gần như là không thể.

Theo trang Quilishi, một số nhà nghiên cứu cho rằng, Gia Cát Lượng có thể đã sử dụng phương pháp ướp xác để bảo quản thi hài Lưu Bị ngay sau khi ông mất. Nhờ đó, di hài Lưu Bị vẹn nguyên trong suốt hành trình đưa từ thành Bạch Đế về Thành Đô.

Sau khi Lưu Bị qua đời 3 tháng thì tang lễ của ông mới được tổ chức. (Ảnh: Sohu)

Trên thực tế, nhiều trường hợp người chết khi bốc mộ để cải táng không xuất hiện dấu hiệu thối rữa dù đã qua đời nhiều năm. Hồi tháng 5 năm 2023, thi thể của nữ tu Wilhelmina Lancaster tại một tu viện ở bang Missouri (Mỹ) dù đã chết 4 năm vẫn không phân hủy.

Heather Garvin, một nhà nhân chủng học pháp y và giáo sư giải phẫu tại Đại học Des Moines cho biết, quá trình phân hủy của cơ thể sau khi chết sẽ trải qua nhiều giai đoạn.

Giai đoạn đầu, thi thể có thể bị đầy hơi hoặc trợt da khi vi khuẩn bắt đầu thực hiện công việc của chúng và các mô bị phá vỡ. Sau đó là quá trình thối rữa (hoặc sự phân rã của các mô). Các mô bị phân hủy sẽ mất đi hình hài. Ở giai đoạn cuối cùng, các mô phân hủy hết và chỉ còn lại khung xương.

Tuy nhiên, có những trường hợp mà thay vì trải qua quá trình phân hủy ẩm, các mô có thể bị mất nước và được “ướp khô”. Các mô ướp như vậy có thể tồn tại trong thời gian dài. Những yếu tố gây ảnh hưởng tới tốc độ phân hủy gồm vật liệu làm quan tài, khí hậu xung quanh và cách thức chôn cất. Ví dụ như việc ướp xác có thể giúp bảo quản trong thời gian dài. Như vậy, trong trường hợp này, thi thể của Lưu Bị không phân hủy nhiều khả năng là đã trải qua quá trình ướp xác.

Quốc Thái (Nguồn: Quilishi)

Tin mới