Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguyên nhân khiến tế bào ung thư hoạt động trong cơ thể bình thường

(VTC News) -

Sau đây là những yếu tố gây nên căn bệnh ung thư và đó cũng chính là nguyên nhân khiến các tế bào ung thư kích hoạt trong cơ thể bình thường.

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao rất nhiều người xung quanh bị phát hiện mắc bệnh ung thư? Khi lớn lên, chúng ta thường nghe nói về những căn bệnh đáng lo ngại như sốt rét, vàng da, đau tim nhưng ung thư được cho là căn bệnh chỉ xảy ra với một số ít.

Những năm gần đây các trường hợp được phát hiện mắc ung thư đột ngột tăng lên, điều đó có phải là do phương pháp chẩn đoán tốt hơn, hiệu quả hơn? Vậy đâu là nguyên nhân khiến các tế bào ung thư kích hoạt trong cơ thể bình thường?

Tế bào ung thư là gì?

Nói một cách dễ hiểu, tế bào ung thư là những tế bào bình thường của cơ thể biến đổi thành ác tính do có sự bất thường bên trong cơ thể hoặc do một yếu tố bên ngoài tác động vào cơ thể trong một thời gian dài. Những yếu tố này gây ra tổn thương hoặc thay đổi không thể phục hồi trong DNA bình thường của tế bào.

Cơ thể sẽ khó kiểm soát những tế bào có DNA bị hư hỏng hoặc bị biến đổi này hơn so với một tế bào bình thường. Sự mất kiểm soát về tăng trưởng đối với các tế bào này dẫn đến sự nhân lên đột biến của các tế bào bất thường, và nó được các bác sỹ chẩn đoán là các khối u/ung thư. 

Tiến sĩ Wesley M Jose, Phó Giáo sư Lâm sàng, Khoa Ung thư & Huyết học, Bệnh viện Amrita, Kochi (Ấn Độ) cho biết: “Ung thư là do cả các yếu tố bên trong và bên ngoài gây ra. Các yếu tố bên trong phổ biến bao gồm: đột biến di truyền, nội tiết tố, các tình trạng liên quan đến miễn dịch, kích hoạt quá mức yếu tố tăng trưởng, và những thay đổi di truyền. Các yếu tố bên ngoài là lối sống, hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc với hóa chất, tiếp xúc với bức xạ, nhiễm virus, điều trị y tế trước đó bằng thuốc gây độc tế bào/ung thư. Các yếu tố này có thể hoạt động đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau để khởi động một tế bào bình thường trở thành ác tính”.

Các yếu tố rủi ro chung

Tiến sĩ Satyam Taneja, Giám đốc Phẫu thuật Ung thư, Bệnh viện Max Patparganj chia sẻ: “Mặc dù các bác sĩ đã phát hiện những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng phần lớn ung thư xảy ra ở những người không có bất kỳ yếu tố nào đã biết".

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư bao gồm:

Tuổi của bạn

Ung thư có thể mất nhiều thập kỷ để phát triển. Đó là lý do tại sao hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đều từ 65 tuổi trở lên. Mặc dù căn bệnh này phổ biến hơn ở người lớn tuổi, nhưng ung thư không chỉ là bệnh của người lớn - ung thư có thể được chẩn đoán ở mọi lứa tuổi.

Thói quen của bạn

Một số thói quen trong cuộc sống hằng ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư: hút thuốc, uống nhiều hơn một ly rượu mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc thường xuyên bị bỏng nắng phồng rộp, béo phì và quan hệ tình dục không an toàn.

Bạn có thể thay đổi những thói quen này để giảm nguy cơ ung thư.

Lịch sử gia đình của bạn

Chỉ một phần nhỏ các trường hợp ung thư là do tình trạng di truyền. Nếu bệnh ung thư phổ biến trong gia đình bạn, có thể các đột biến đang được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế, bạn có thể thực hiện biện pháp xét nghiệm để xem liệu có di truyền các đột biến có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư hay không. Hãy nhớ rằng có một đột biến gen di truyền không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư.

Tình trạng sức khỏe của bạn

Một số tình trạng sức khỏe mãn tính, chẳng hạn như viêm loét đại tràng, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Do đó hãy trao đổi với bác sỹ về nguy cơ của bạn.

Môi trường của bạn

Môi trường xung quanh chứa các hóa chất độc hại có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Chẳng hạn như việc bạn không hút thuốc, thì vẫn có thể hít phải khói thuốc khi bạn đến nơi có người đang hút thuốc hoặc nếu bạn sống với người hút thuốc.

Các hóa chất trong nhà hoặc nơi làm việc của bạn, chẳng hạn như amiăng và benzen, cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.

Đột biến gen

Theo Tiến sĩ Satyam Taneja, Giám đốc Phẫu thuật Ung thư, Bệnh viện Max Patparganj, các đột biến gen mà bạn sinh ra và những đột biến gen mà bạn có được trong suốt cuộc đời kết hợp với nhau để gây ra ung thư.

Đột biến gen có thể xảy ra vì một số lý do, chẳng hạn như: Đột biến gen mà bạn sinh ra. Bạn có thể được sinh ra với một đột biến di truyền mà bạn thừa hưởng từ cha mẹ của bạn. Loại đột biến này chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các bệnh ung thư.

Đột biến gen xảy ra sau khi sinh. Hầu hết các đột biến gen xảy ra sau khi bạn sinh ra và không được di truyền. Một số tác nhân có thể gây ra đột biến gen, chẳng hạn như hút thuốc, bức xạ, virus, hóa chất gây ung thư (chất gây ung thư), béo phì, kích thích tố, viêm mãn tính và lười vận động.

N.Hà (VOV.VN)

Tin mới