Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM tăng nhanh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, sự tập trung đông đúc cùng biến chủng Delta khiến tỷ lệ lây nhiễm tại TP.HCM ngày càng lan rộng.

Theo công bố của Bộ Y tế, ngày 3/7, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 714 ca mắc COVID-19. Hiện tại, TP.HCM vượt mốc 5.000 ca mắc.

Trả lời VTV tối 3/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tại TP.HCM, nhiều nguyên nhân khiến dịch có điều kiện lây nhanh và khó kiểm soát.

Thứ nhất, virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh tại thành phố thuộc biến chủng Delta (được tìm thấy lần đầu tiên ở Ấn Độ). Biến chủng này có sự lây lan nhanh, đặc biệt là trường hợp tiếp xúc gần.

Thứ 2, TP.HCM có mức độ tập trung dân cư đông đúc, nhiều chợ tự phát và chợ truyền thống tập trung với mật độ cao. Điều này khiến virus có sự lây lan nhanh hơn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác xét nghiệm bằng test nhanh tại một điểm lấy mẫu ở quận Tân Phú. (Ảnh: Duy Hiệu)

Thứ 3, thành phố có nhiều khu công nghiệp và nhà máy sản xuất, số lượng công nhân đông. "Trường hợp một công nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không xuất hiện triệu chứng làm việc, có thể dẫn đến sự lây nhiễm cho cả quần thể người lao động", Thứ trưởng nói.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết nhờ công tác tổ chức xét nghiệm diện rộng, ca mắc mới không chỉ trong khu cách ly, vùng phong tỏa mà còn được phát hiện nhanh trong cộng đồng dân cư. Điều này khiến thành phố có số ca mắc tăng nhanh chóng trong thời gian qua.

Ông cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều nay, TP.HCM có quyết định thành lập Trung tâm điều hành, điều phối xét nghiệm trên địa bàn thành phố.

"Việc thành lập trung tâm này sẽ giúp TP.HCM đẩy nhanh được tiến độ xét nghiệm. Chiều nay, TP.HCM có khả năng lấy 1,4 triệu mẫu/ngày, năng lực xét nghiệm đạt 450.000 mẫu gộp. Đây là con số có thể tin tưởng trong thời gian tới, khi lực chọn đúng khu vực trọng tâm, trọng điểm, sử dụng nhuần nhuyễn test nhanh và RT-PCR, thành phố sẽ sớm kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh", Thứ trưởng Sơn nói.

Về vấn đề cách ly F1 tại nhà, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết việc áp dụng chiến lược này theo hướng dẫn của Bộ Y tế là rất cần thiết. Ông nhấn mạnh trong thời gian tới, thành phố xây dựng kế hoạch cách ly F1 tại nhà, có thể sử dụng công thức 14 + 14.

Công thức này có nghĩa là đối với trường hợp F1 sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát tại nơi lưu trú nếu đảm bảo các điều kiện như hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này góp phần giảm tải cho khu cách ly tập trung tại TP.HCM.

Nguồn: Zing News

Tin mới