Sáng 22/8, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 13 bị cáo liên quan đến sai phạm tại dự án khu dân cư thương mại Phước Thái (phường Tam Phước, TP Biên Hòa). Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất".
Loạt cựu lãnh đạo, cán bộ tại Đồng Nai hầu toà.
13 bị can bị đưa ra xét xử, gồm: Lê Viết Hưng (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai); Nguyễn Tấn Long (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa); Nguyễn Tấn Tài (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, Chi nhánh TP Biên Hòa); Nguyễn Tấn Vinh (nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Biên Hòa); Hồ Bá Minh (nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Biên Hòa); Võ Cao Cường (nguyên Chủ tịch UBND phường Tam Phước); Nguyễn Văn Đức (nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phước) cùng một số người liên quan đến vụ án.
Trước đó vào ngày 21/6, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ án ra xét xử. Thời điểm này cả 13 bị cáo cùng bị truy tố tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, nhẹ hơn so với tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Bị cáo Lê Viết Hưng (áo trắng), nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai tại phiên tòa xét xử ngày 22/8.
Tuy nhiên, tại phiên xử này, bị cáo Lê Viết Hưng, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho rằng trước đó khi đang đương nhiệm, trên cơ sở ý kiến về chuyên môn của Chi cục Quản lý đất đai, Phòng Quy hoạch đã tham mưu ông ký Văn bản số 341/STNMT-QH.
Nội dung văn bản này thể hiện: “Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh giao UBND thành phố Biên Hòa căn cứ các quy định của UBND tỉnh Đồng Nai để hướng dẫn ông Nguyễn Hữu Thành lập thủ tục công nhận quyền sử dụng đất theo quy định".
Từ lời khai của Lê Viết Hưng, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung về tội danh của bị cáo.
Đến ngày 14/7, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai có văn bản chuyển trả lại hồ sơ để TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Trong văn bản này, Viện kiểm sát nêu: "Thống nhất quan điểm hành vi của bị cáo Lê Viết Hưng phù hợp với tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Riêng các bị cáo còn lại hiện vẫn giữ nguyên tội danh như đã truy tố".
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, năm 1995, Thủ tướng ký quyết định cho Công ty TNHH Kia - Hoàng Hưng Ceramics thuê gần 9ha đất công tại xã Tam Phước, huyện Long Thành (nay là phường Tam Phước, TP Biên Hòa) để xây dựng nhà xưởng sản xuất gốm.
Năm 2009, Hoàng Hưng Ceramics không triển khai thực hiện dự án nên UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định thu hồi giấy phép đầu tư. Năm 2015, Trương Quốc Tuấn là Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái (Công ty Phước Thái) nhận chuyển nhượng khu đất này với số tiền hơn 35 tỷ đồng.
Tuấn đã bàn với Nguyễn Văn Đức (Phó chủ tịch UBND xã Tam Phước) hợp thức hóa để em ruột là Nguyễn Hữu Thành đứng tên chủ sở hữu khu đất trên để nhận tiền bồi thường, khi giải tỏa làm dự án khu dân cư. Tuấn điền thời gian trên biên bản bàn giao đất vào tháng 4/2003 để phù hợp với việc cho Thành nhận tiền bồi thường.
Cáo trạng còn xác định các bị cáo nguyên là lãnh đạo sở, ban ngành của tỉnh Đồng Nai biết trường hợp của Thành không đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất, việc sử dụng đất không đúng mục đích, không phù hợp quy hoạch và đặc biệt không đủ điều kiện được bồi thường về đất.
Dù vậy các bị cáo với chức năng nhiệm vụ được giao vẫn ký vào giấy xác nhận, tờ trình, văn bản, quyết định… dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ sai đối tượng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 79 tỷ đồng.
Từ tháng 6 đến tháng 12/2017, ông Võ Văn Chánh (khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, sau này là Bí thư Thành ủy Biên Hòa và hiện đã nghỉ theo nguyện vọng) đã ký hai quyết định giao đất và cho thuê đất để Công ty Phước Thái thực hiện dự án khu dân cư thương mại Phước Thái với tổng diện tích gần 9ha. Tuấn thực hiện dự án phân chia hơn 453 nền đất.
Hiện nay, khu đất đã được xây dựng nhiều dãy nhà, nhiều căn đã bán cho người dân, có cả trung tâm thương mại.