Thanh Hóa là một trong những địa phương có nghề làm muối lâu đời, song nghề này đang có nguy cơ bị xóa sổ ở địa phương này. Nguyên nhân một phần là do diêm dân không còn đất sản xuất, đặc biệt là nghề làm muối có thu nhập quá thấp, làm không đủ nuôi sống bản thân.
Phát chán vì… muối
Khi nắng chiếu như đổ lửa, mọi người tìm cách trú nắng thì cũng là lúc hàng trăm diêm dân xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn đang “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên cánh đồng bỏng rát để mưu sinh. Càng nắng thì lượng muối lắng đọng càng nhiều, nên diêm dân cần tranh thủ để cào muối.
Quệt những giọt mồ hôi đặc quánh, mặn chát, diêm dân Lê Văn Lộc ở thôn Tam Hòa (xã Hòa Lộc) chua chát, nói: “Gia đình tôi có 1.137m2 đất làm muối, cả 8 miệng ăn đều trông chờ tất vào đây. Không đủ ăn, tôi lại phải mượn thêm hơn 1.000m2 đất của những hộ bỏ không để làm. Chính vụ từ tháng 5 – 7, nhưng gia đình tôi vẫn tận dụng làm dai dẳng cả năm”.
Diêm dân thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), thu hoạch muối. |
Theo nhẩm tính của ông Lộc, cả năm 2013 vừa rồi, trừ chi phí, gia đình ông chỉ thu được 20 triệu đồng. “Vắt kiệt cả sức lao động vậy mà mỗi năm thu được có đáng là bao. Các con tôi lại phải ra ngoài làm thuê để kiếm thêm thu nhập chứ không thì chết đói” - ông Lộc than.
Vừa tưới nước lên mặt sân phơi cát, bà Đào Thị Hon (thôn Tam Hòa) vừa tâm sự: “Trời nắng càng bỏng rát thì hạt muối càng trắng, càng trong. Còn trời mát hay đổ mưa coi như thất bát. Nhà tôi có 1.327m2 đất làm muối, năm ngoái bán muối lề rề mãi mới thu được 7 triệu đồng. Năm nay, mưa nhiều nên mất mùa, bên cạnh đó giá muối lại không tăng, nên suốt từ đầu vụ đến giờ mới thu được khoảng 3 triệu đồng. Như thế này chưa bõ tiền công chứ đừng nói gì đến các chi phí khác”.
Để làm ra được hạt muối, mỗi vụ diêm dân cũng phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Nếu chỉ tu sửa đồng ruộng, chi phí bỏ ra cũng đã mất khoảng 3 – 4 triệu đồng (gồm sân phơi, ô chạt, cát giống…); còn làm mới, người dân phải mất khoảng 12 – 15 triệu đồng, chưa tính đến tiền làm nhà kho, cần khoảng 15 – 20 triệu đồng. Thế nhưng, tính ra cả ngày làm quần quật trên cánh đồng, cật lực lắm thì họ chỉ thu được từ 120.000 – 150.000 đồng/người/ngày.
Thu nhập chưa được 8.000 đồng từ muối
Ông Đào Nguyên Hồng – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất muối Tam Hòa, xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), cho biết: “Năm nay thời tiết thất thường, mưa nhiều, dù giá muối không giảm so với năm trước (1.700 đồng/kg), nhưng sản lượng muối giảm lại một cách đáng kể. Từ đầu năm đến nay, mới được 64 ngày nắng.
Nếu như khoảng giữa tháng 7.2013, sản lượng muối của cả HTX đạt 450 tấn, thì năm nay mới được 128 tấn, chưa bằng 1/3 năm ngoái. Như vậy, 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân đầu người của diêm dân ở đây chỉ đạt 232.000 đồng/người/tháng, tức chưa được 8.000 đồng/ngày”.
Thực tế, cho tới nay, nghề làm muối ở Thanh Hóa chỉ còn lại ở một vài xã của huyện Tĩnh Gia và Hậu Lộc với diện tích 200ha với 2.000 hộ diêm dân, song số hộ làm muối giờ cứ giảm theo từng năm. Như ở xã Hòa Lộc chỉ còn hơn 87,71ha với 561 hộ còn làm muối.
Chỉ tính riêng thôn Tam Hòa, đã có gần 500 người (chủ yếu là đàn ông, thanh niên) bỏ nghề muối đi làm thuê nơi đất khách, quê người. Có không ít người đã đánh cược với tính mạng của mình để sang Trung Quốc “làm chui”. Những người bám nghề chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ nhỏ.
Một nghịch lý đang tồn tại trong những năm qua là trong khi giá nhiều mặt hàng tăng vọt, thì giá muối lại liên tục giảm hoặc cầm chừng. Không chỉ giá rẻ, năng suất thấp, mà việc tìm đầu ra cho nghề muối cũng rất khó khăn. Ngoài một số ít công ty thu mua lẻ, còn lại hầu hết bà con vẫn phải tự đạp xe rong ruổi trên các đường làng, ngõ xóm khắp nơi đến gõ cửa từng nhà dân để bán muối.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho biết: “Ngoài 3 tháng mùa hè sản xuất muối, diêm dân hầu như không có nghề phụ tại chỗ. Đây cũng đang là vấn đề “đau đầu” của lãnh đạo địa phương.
Năm 2013, Nhà nước đã thu hồi 5,97ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp và sản xuất muối, để dành cho dự án cảng cá Hòa Lộc và cụm công nghiệp cảng cá Hòa Lộc”. Vấn đề này không riêng xã Hòa Lộc, mà là thực trạng chung của hàng nghìn diêm dân xứ Thanh ở các xã: Hải Lộc (huyện Hậu Lộc), Hải Châu, Hải Thượng, Hải Hà (huyện Tĩnh Gia)...
Ông Mai Xuân Châu – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tĩnh Gia cho hay: “Trước đây, huyện có khoảng 178ha diện tích sản xuất muối, nhưng đến nay chỉ còn lại 78ha sản xuất có hiệu quả. Chúng tôi cũng đang cố gắng để vực lại nghề muối cho bà con”.
Theo Dân Việt