Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguy cơ thiếu gia cầm dịp Tết năm nay?

Các nhà máy chế biến thủy sản giảm công suất 50%, xuất khẩu rau quả dự kiến 6 tháng cuối năm giảm 30% và có thể xảy ra khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết năm nay.

Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình sản xuất cung ứng nông sản 19 tỉnh, thành phố Nam Bộ.

Dự báo có thể có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (Tổ trưởng tổ công tác) thời gian qua, Tổ công tác đã cơ bản giải quyết những vướng mắc trong lưu thông hàng hóa và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam và kết nối tiêu thụ nông sản khá hiệu quả.

Đến nay, đã có 639 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác. Cụ thể có 144 đầu mối rau củ, 172 đầu mối trái cây, 263 đầu mối thủy hải sản, 33 đầu mối lương thực, 27 đầu mối các mặt hàng khác.

Thứ trưởng Nam cho biết, nhu cầu thị trường hiện vẫn rất lớn song trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa, việc thu hoạch và sản xuất tại một số tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Dự kiến 6 tháng cuối năm nguồn cung nông sản phục vụ cho xuất khẩu sẽ giảm mạnh.

Chẳng hạn, đối với xuất khẩu rau quả, trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Thế nhưng hiện do áp dụng giãn cách xã hội, cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp, tâm lý người dân không tốt dẫn đến việc thiếu sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu, dự kiến xuất khẩu rau của quả 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 30%.

Về thủy sản, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam dù thị trường xuất khẩu khá thuận lợi nhưng dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp, nhà máy…khiến các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là khu vực Nam Bộ (chiếm khoảng 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu) hầu hết giảm công suất chỉ còn 50%.

"Thời gian tới xuất khẩu thủy sản thuộc rất nhiều vào thời điểm và khả năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Trong điều kiện tốt nhất, khi dịch lắng xuống và kiểm soát được dịch bệnh sau 3 tháng, mức tăng xuất khẩu thủy sản hàng tháng đạt khoảng 6-8%. Khi đó, xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD. Trong tình hình xấu hơn, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), xuất khẩu thủy sản chỉ có thể đạt tối đa 8,8 tỷ USD", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, Tổ công tác dự báo có thể có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết, do vậy cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là lưu thông và chế biến, cấp đông khi giá gia cầm hạ quá thấp.

Theo Thứ trưởng Nam, hiện một số mặt hàng nông sản khó tiêu thụ, ứ đọng giá xuống thấp như thanh long, chuối, dứa, chanh, gà lông rắng, cá tra, tôm dẫn đến một bộ phận nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có tâm lý băn khoăn chán nản, chần chừ trong tái đầu tư sản xuất.

Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ chỉ đạo 19 tỉnh, thành phố phía Nam ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% lực lượng công nhân tại các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ cơ sở sản xuất vay vốn, gia hạn, đáo hạn các khoản vay cho các cơ sở này để thu mua nông sản; hỗ trợ giá điện sản xuất cho các DN sản xuất chế biến nông sản, mở rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho công nhân và người lao động.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới