Bên cạnh những tiện ích như thân thiện với môi trường, động cơ mạnh mẽ thì xe máy điện cũng có bất tiện khi lên dốc. Theo thiết kế, khi người lái bóp phanh cũng là lúc ngắt tay ga, nên có vặn ga thế nào, xe cũng không hoạt động cho tới khi nhả phanh.
Cơ chế này để tăng độ an toàn khi sử dụng xe máy điện, vì mô tơ điện có khả năng đạt mô men xoắn và công suất tức thì, nếu dùng phanh để giảm tốc độ trong trường hợp mô tơ vẫn hoạt động sẽ làm giảm hiệu quả phanh, gây mất an toàn. Bên cạnh đó, phanh, lốp sẽ bị hao mòn nhiều hơn, tài xế phải bóp phanh rất mạnh mới có thể hãm xe.
(Ảnh minh họa)
Tuy vậy, điều này lại khiến những người mới sử dụng xe máy điện cảm thấy lúng túng và bất ngờ. Vì thế, để hạn chế các rủi ro khi phải dừng liên tục trên dốc dài, nhất là khi gặp tắc đường ở những nơi đèo núi, người lái nên chủ động điều tiết tốc độ phù hợp, dùng chân để giữ thăng bằng nếu cần thiết.
Trong trường hợp phải dừng ngang dốc, tài xế cần giữ chắc phanh, vặn tay ga lên một chút, sau đó thả phanh để xe có lực kéo đủ lên dốc. Lưu ý không vặn quá nhiều rồi thả tay phanh vì có thể khiến xe vọt lên mất kiểm soát.
Nếu thả tay phanh rồi mới vặn ga, khoảng trễ của máy có thể khiến nhiều người bị "hẫng", xe trôi về sau. Do đó, tài xế nên giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước khi lên dốc, di chuyển tốc độ vừa phải để hạn chế việc dùng phanh.
Hiện trên thị trường có dịch vụ hủy kích hoạt chế độ ngắt mô tơ khi phanh. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết người dùng không nên sử dụng loại dịch vụ này, bởi lẽ, việc can thiệp vào thiết kế ban đầu của xe không đảm bảo tính toàn vẹn của những thiết lập ban đầu.
Quan trọng hơn, khi mô tơ bị ngắt, người lái có thể tiện lợi khi leo dốc, nhưng sẽ tăng rủi ro mất kiểm soát trong những tình huống thông thường.