Đổ tiền vào dự án "đắp chiếu'
Trong tài liệu gửi tới cổ đông chuẩn bị cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2020, lãnh đạo Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) nhìn nhận, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tisco tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chi phí tài chính cao, thiết bị đã cũ, năng suất lao động thấp, sản lượng tiêu thụ tuy có tăng trưởng nhưng thấp hơn bình quân của ngành, trong khi lợi thế về sản xuất phôi ngày càng giảm…
Mắc kẹt hơn hàng nghìn tỷ đồng tại Tisco II, Gang thép Thái Nguyên rơi vào bờ vực phá sản. (Ảnh minh họa: TIS)
Bên cạnh đó việc thoái vốn tại Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên (Tisco II) chưa có tiến triển. “Việc vay vốn tại các ngân hàng cho sản xuất kinh doanh với hạn mức giảm, chi phí vay tăng sẽ làm công ty ngày càng khó khăn, việc duy trì sản xuất bình ổn, đảm bảo năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép Tisco và hiệu quả là sức ép rất lớn”, báo cáo của Hội đồng quản trị Tisco nêu.
Dự án Tisco II triển khai từ 2007 nhưng đến nay các hạng mục dự án chưa hoàn thành. Dự án này có tổng mức đầu tư dự tính ban đầu gần 3.844 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh được phê duyệt là hơn 8.105 tỷ. Tổng chi phí đầu tư tới cuối năm 2019 là 5.362 tỷ đồng, tăng 269 tỷ đồng so 2018, trong đó chi phí lãi vay 2.155 tỷ đồng.
Năm 2015, dự án này bị đưa vào danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ và Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong kết luận mới công bố.
Đáng nói, dù Tisco II đang đắp chiếu song trong 3 tháng đầu năm, Gang thép Thái Nguyên vẫn phải đổ thêm vào đây hơn 67 tỷ đồng. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 cho thấy tổng chi phí đầu tư đến hết quý I cho dự án này là 5.432 tỷ đồng, tăng mạnh so với hồi đầu năm.
Theo Hội đồng quản trị Tisco, năm 2015 doanh nghiệp này đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) 1.000 tỷ đồng, nhằm thanh toán cho các hạng mục đầu tư của Tisco II. Nhưng 2 năm sau, SCIC rút 1.000 tỷ đồng này (khoảng 100 triệu cổ phần) theo chỉ đạo của Thủ tướng, khiến quy mô vốn điều lệ của Tisco xuống còn 1.840 tỷ đồng, các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp cũng xấu đi.
Bên cạnh đó, do Tisco II tạm dừng và chưa có hướng giải quyết nên các nhà băng cho vay vốn đã hạ mức đánh giá tài chính của Tisco xuống mức thấp, tăng lãi vay lên 8% một năm... làm doanh nghiệp gặp khó khăn lớn trong cân đối dòng tiền.
Tisco đã cung cấp tài liệu làm việc, giải trình và đề xuất kiến nghị với các ban ngành liên quan, nhằm tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh và tiếp tục thực hiện dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Nợ phình to, nguy cơ phá sản
Theo báo cáo của Ban Kiểm soát, Tisco đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Hiện nợ phải trả chiếm 80% nguồn vốn. “Việc mất cân đối 2.505 tỷ đồng khiến Tisco có khả năng vỡ nợ, nguy cơ phá sản hiện hữu”, báo cáo nêu.
Theo báo cáo tài chính quý I, hiện nợ phải trả của Tisco là 7.965 tỷ đồng, tăng khoảng 450 tỷ so hồi đầu năm, trong đó nợ ngắn hạn chiếm chủ yếu hơn 5.481 tỷ đồng.
Tại báo báo tài chính hợp nhất 2019, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC) đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của Tisco. Theo đó, đến cuối năm 2019, hơn 615 tỷ đồng nợ gốc của Tisco đã rơi vào tình trạng quá hạn, nợ phải trả ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn tới 2.885 tỷ đồng; tổng quy mô nợ vay xấp xỉ 4.853 tỷ đồng.
“Khả năng hoạt động liên tục của TISCO cơ bản tùy thuộc vào việc gia hạn nợ với các ngân hàng và phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt phục vụ hoạt động kinh doanh”, AASC nêu.
Video: Biệt thự 'to nhất Thái Nguyên' của cựu TGĐ TISCO dính vòng lao lý: