Bạo lực bùng phát sau khi cảnh sát Kosovo đụng độ với những người biểu tình Serbia phản đối việc các thị trưởng người Albania nhậm chức tại các khu vực có người Serbia sinh sống. Các binh sĩ thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo (viết tắt là KFOR) cáo buộc người biểu tình gốc Serbia hành hung vô cớ các binh sĩ người Hungary và Italy, khiến họ bị bỏng và gãy xương. Trước đó, người biểu tình gốc Serbia đụng độ với cảnh sát tại thị trấn Zvecan ngày 26/5, khi đám đông ngăn thị trưởng người Albania mới đắc cử bước vào văn phòng.
Người biểu tình gốc Serbia đụng độ với binh sĩ NATO tại thị trấn Zvecan, Kosovo ngày 29/5. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cáo buộc chính quyền Kosovo tạo ra căng thẳng, đồng thời kêu gọi người Serbia ở Kosovo tránh đụng độ với binh lính NATO.
“Tôi đang thúc giục người Serb ở Kosovo không xung đột với NATO, dù tôi biết họ cảm thấy thế nào và khó khăn để không làm như vậy”, ông Vucic nói.
Dự kiến hôm nay Tổng thống Serbia gặp các đại sứ của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh (còn gọi là nhóm Quint) và Trưởng phái bộ Liên minh châu Âu để bàn cách hạ nhiệt căng thẳng.
Trước nguy cơ mâu thuẫn âm ỉ giữa người Albania và Serbia ở Kosovo biến thành bạo lực, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell đã lên án các cuộc đụng độ, gọi bạo lực chống lại lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Đức ra tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Kosovo lùi bước và giảm leo thang căng thẳng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích giới chức Kosovo “hành động đi ngược” khuyến cáo của Mỹ và châu Âu, làm suy yếu nỗ lực bình thường hóa quan hệ Kosovo – Serbia.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng kêu gọi có biện pháp chặn đứng bạo lực ở Kosovo: “Một vụ bùng phát lớn đang bùng lên ở trung tâm châu Âu, tại chính nơi mà vào năm 1999, NATO đã tiến hành chiến dịch quân sự tại Nam Tư, vi phạm tất cả các nguyên tắc có thể có của Hiệp định Helsinki và các văn kiện khác của OSCE. Tình hình rất đáng báo động, nhưng phương Tây đã ngăn chặn tất cả những ai nói lên ý kiến riêng của họ về chính sách của họ”.
Bộ Ngoại giao Pháp sáng nay cũng ra tuyên bố nhấn mạnh sự ổn định cần được khôi phục ngay lập tức ở miền bắc Kosovo do tầm quan trọng của địa bàn này đối với an ninh châu Âu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre ra tuyên bố, chính quyền Kosovo và Serbia cần thể hiện trách nhiệm bằng cách quay trở lại bàn đàm phán với thái độ thỏa hiệp vì hòa bình và thịnh vượng của người dân Serbia và Kosovo, vì đây là vấn đề an ninh của cả châu Âu.
Kosovo là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia với 90% dân số là người Albania. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Serbia không công nhận và vẫn tuyên bố chủ quyền với khu vực này.