Lễ hội Halloween du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 20 năm trước và dần trở nên phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Tương tự các ngày lễ khác như Giáng sinh, Lễ tình nhân Valentine…., Halloween là sự kiện văn hóa có nguồn gốc phương Tây, được người Việt Nam tiếp nhận trong thời kỳ đổi mới, nhưng không mang nặng tính nghi lễ như lễ hội gốc.
Halloween bắt nguồn từ lễ hội Samhain của người Celt cổ. Khoảng 2.000 năm trước, người Celt sinh sống ở vùng đất mà giờ là Ireland, Anh quốc và miền Bắc nước Pháp. Họ mừng năm mới vào ngày 1/11 hàng năm.
Đây là ngày đánh dấu sự kết thúc của mùa hè và vụ mùa, bắt đầu cho mùa đông tối tăm, giá lạnh - khoảng thời gian được cho là gắn với cái chết.
Người Celt tin rằng đó là lúc linh hồn người chết được trở về nhà ở trần gian. Vào ngày lễ Samhain, linh hồn của những người chết trong năm trước sẽ tìm đến một thể xác khác để bắt đầu cuộc sống mới trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, người sống không muốn linh hồn người chết nhập vào mình. Vì thế vào đêm 31/10, người Celt dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa lạnh lẽo và tẻ ngắt. Sau đó, họ hoá trang thành ma cà rồng và lặng lẽ đi vòng quanh nhà hàng xóm với vẻ hăm doạ nhằm xua đuổi những hồn ma tìm thể xác.
Cũng có người giải thích rằng lễ hội Halloween bắt nguồn từ phong tục cầu hồn của người Thiên Chúa giáo châu Âu thế kỷ thứ 9. Ngày 2/11 hàng năm, người dân đi từ làng này sang làng khác xin bánh cầu hồn - những chiếc bánh hình vuông làm từ bánh mỳ và nho Hy Lạp. Nhận được càng nhiều bánh, họ càng cầu được cho nhiều linh hồn người thân của gia chủ siêu thoát.
Ở Anh trước đây, đêm Halloween được gọi là Nutcrack Night hay Snap Apple Night, tức là một đêm dành cho gia đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn trái cây. Những người nghèo đi ăn xin (a-souling) thường được cho một thứ bánh gọi là bánh linh hồn (soulcakes) với điều kiện họ phải cầu nguyện cho người chết.
Lễ hội Halloween du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 20 năm. (Ảnh: Crresearch)
Halloween thường được biết đến như ngày lễ tưởng niệm và chào đón những linh hồn người chết trở về nhà. Điều này gắn liền với câu chuyện dân gian về chàng trai trẻ tên Jack. Khi còn sống, Jack là người rất cô đơn, lạc lõng. Những tưởng khi chết đi, anh sẽ được giải thoát nhưng trớ trêu thay, Jack lại trở thành một cô hồn không có chốn dung thân.
Thương cho số phận tội nghiệp của Jack, những người ở cõi trần đã cho anh một ngày trở lại dương thế để vui chơi thoải mái với họ. Muốn Jack không lạc lõng với hình dáng của một bóng ma, người trần cũng hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có thể trà trộn vào đám đông cho bớt cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân văn của lễ hội Halloween.
Theo thời gian và trong quá trình lan tỏa khắp thể giới, lễ hội Halloween bị lược bỏ dần những quan niệm về tín ngưỡng và được coi là ngày hội mà mọi người đều có thể vui chơi qua việc hóa thân thành những nhân vật trong truyền thuyết, cổ tích. Qua đó, trẻ em được giáo dục lòng dũng cảm, sự can đảm để chiến thắng nỗi sợ hãi ma quỷ và bóng đêm, sống tốt đẹp.
Giới trẻ Việt hóa trang ma quái đổ lên phố đi bộ đón Halloween. (Ảnh: Khổng Chí)
Nếu như với các quốc gia ở phương Tây, Halloween là ngày lễ dành riêng cho người đã khuất thì đối với người Việt, tháng 7 Âm lịch mới là thời khắc để linh hồn người chết quay trở về. Halloween ở nước ta đơn giản là dịp để công chúng, đặc biệt là giới trẻ tổ chức các hoạt động hóa trang nhằm mục đích vui chơi giải trí là chính.
Vào dịp này, các trường học, siêu thị, nhà hàng và gia đình tổ chức vui chơi lễ hội ma với nhiều hình thức khác nhau, trưng bày những hình ảnh, hiện vật mang hình thù ma quái, kinh dị để tạo ấn tượng.