Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người Việt xếp top Đông Nam Á về mua hàng trực tuyến

(VTC News) -

Nói về mức độ "thành thạo" mua sắm trực tuyến, Việt Nam bỏ xa các quốc gia trong khu vực, đồng thời là nước có tỷ lệ người mua và bán online xuyên biên giới cao.

Đại dịch COVID-19 hoành hành 2 năm qua góp phần đẩy mạnh mua hàng trực tuyến trên các trang web thương mại điện tử toàn khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng từ trước khi có ảnh hưởng bởi đại dịch, mua sắm qua mạng là một thói quen với không ít người Việt.

Theo báo cáo chỉ số Thương mại điện tử tại Đông Nam Á (SEA) 2021 do hãng vận chuyển Ninja Van Group phối hợp cùng DPDgroup thực hiện, Việt Nam đứng đầu khu vực với mức trung bình 104 đơn hàng trực tuyến được thực hiện mỗi năm. 73% tham gia khảo sát cho biết thường mua đồ từ các nền tảng thương mại điện tử. Việt Nam cũng là có quốc gia sở hữu tỷ lệ mua từ website, dịch vụ quốc tế cao thứ nhì SEA với 59% người từng đặt hàng ở quốc gia khác rồi chuyển về trong nước. Cao nhất ở hạng mục này là Indonesia với 60% người dùng từng mua sắm quốc tế.

Mua hàng qua mạng trở thành thói quen của nhiều người Việt.

Không chỉ mua, người Việt cũng tích cực trong hoạt động kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới khi tỷ lệ nhà bán lẻ tham gia lĩnh vực này ngày càng tăng. Báo cáo Xu hướng Thương mại điện tử Việt Nam do Amazing Global Selling (AGS) công bố hồi tháng 5/2022 đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh trong việc ứng dụng thương mại điện tử nói chung. AGS ước tính tổng giá trị giao dịch (GMV) thương mại điện tử tại Việt Nam đạt tăng trưởng tới 34% mỗi năm từ 2020 và sẽ đạt 660.000 tỷ đồng (tương đương 29 tỷ USD) vào năm 2025.

Hiện tại, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 36% tổng doanh thu hoạt động kinh doanh, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam và sẽ không ngừng tăng trong tương lai gần. Doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C (từ doanh nghiệp tới tay khách hàng) của người bán tại Việt Nam ước đạt 75.400 tỷ đồng tới cuối 2022 và có thể vượt mốc 256.000 tỷ đồng trong 5 năm tới. 

"Nếu coi thương mại điện tử B2C là một ngành hàng xuất khẩu thì đây sẽ là lĩnh vực đứng thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới", đại diện AGS nhận định.

Ở bức tranh toàn cảnh khu vực, số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của khu vực SEA năm 2020 là 74 tỷ USD, tăng lên 120 tỷ USD vào năm sau đó, với tốc độ tăng trưởng trung bình/năm đạt 37,7%, cao hơn toàn cầu ở 27,4%. Về quy mô thị trường trực tuyến, Indonesia là quốc gia xếp đầu về độ lớn, Việt Nam đứng thứ 2. Tuy nhiên, mức mua hàng trung bình của người Việt đang 26 USD, cao hơn hai quốc gia đông dân số là Thái Lan (25 USD) và Indonesia (18 USD).

Trở lại với báo cáo của Ninja Van Group, Việt Nam chiếm tới 15% tổng thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, đứng sau Thái Lan (16%), ngang với Philippines. Kết quả khảo sát cũng tiết lộ ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là danh mục có sức tiêu thụ tốt nhất tại Việt Nam, kế sau đó là hàng quần áo thời trang, giày dép...

Đáng chú ý, có tới 76% người Việt cho rằng mua sắm online giúp tiết kiệm tiền và hành vi săn hàng giá tốt là yếu tố chính thú đẩy mua hàng trực tuyến. Trong khi đó, chỉ 26% đánh giá miễn phí giao hàng là chiến thuật khuyến khích người tiêu dùng đến với gian hàng trên mạng. Ngoài ra, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng online chính là đánh giá của những người dùng trước đó.

Ông Phan Xuân Dũng - Giám đôc kinh doanh của Ninja Van Việt Nam nói: "Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiềm năng nhờ sự tăng trưởng bền vững và rõ nét trong những năm gần đây". Tại Việt Nam, mỗi ngày Ninja Van vận chuyển hơn 300.000 đơn hàng từ các cửa hàng kinh doanh trực tuyến, doanh nghiệp lớn và nhỏ trên toàn quốc. Đại diện hãng cũng cho biết định hướng hỗ trợ cho SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) để tăng khả năng thích ứng với ngành thương mại điện tử thông qua hơn 200 đại lý có nhiệm vụ là điểm tập hợp hàng, hỗ trợ nhà bán nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian giao/nhận trong các giao dịch mua hàng trực tuyến.

Nguồn:

Tin mới