Một tòa nhà chịu ảnh hưởng động đất ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trả lời VTC News ngày 11/2, chị Nam Phương, người Việt sống tại thành phố Diyarbakir, cho biết chị đang trú tạm tại một điểm ở hồ bơi công cộng gần nhà, ngoại ô thành phố. Theo chị Phương, tại khu vực chị sinh sống ở thành phố Diyarbakir, 8 tòa nhà đã bị sập, 120 người thiệt mạng, 840 người bị thương, nhưng mọi thứ “vẫn chưa kết thúc”.
Diyarbakir là một trong số các thành phố Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ chịu thiệt hại của trận động đất 7,8 độ richter xảy ra hôm 6/2 ở khu vực giáp với Syria. 9 tiếng sau trận động đất này, một trận khác với cường độ 7,5 độ richter xảy ra, với hàng loạt dư chấn lớn nhỏ. Chuỗi rung chấn gây ra thảm họa chưa từng có cho khu vực kể từ năm 2011.
Ngoài Diyarbakir, các thành phố khác chịu ảnh hưởng bao gồm Kahramanmaraş, Hatay, Osmaniye, Adıyaman, Gaziantep, Şanlıurfa, Malatya, Kilis và Adana. Quy mô thiệt hại ước tính trải rộng trên 150 km vuông, với hàng nghìn tòa nhà.
Đội cứu hộ cố gắng tiếp cận những người bị mắc kẹt trong các tòa nhà ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)
“Nghe thấy tiếng như bom nổ”
Từ hôm xảy ra động đất, chị Phương cùng con phải di chuyển nhiều lần, từ trong trung tâm thành phố ra ngoại ô mỗi lần có rung lắc nhẹ rồi lại về lại. Tòa nhà chị ở được xây dựng có cấu trúc chống động đất nên may mắn không chịu thiệt hại nhiều như một số tòa nhà cũ. Dù vậy, trong cảnh chồng đi làm xa nhà, chị và con nhỏ 3 tuổi không tránh khỏi hoảng sợ trước thảm họa quá lớn.
Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra lúc khoảng hơn 4 giờ sáng hôm 6/2, khi nhiều người đều đang ngủ. Tỉnh giấc do cảm thấy bị rung lắc, chị Phương phải ôm con ngay lập tức chạy ra ngoài. “Không có tiếng báo động nào, đang ngủ tòa nhà rung lắc dữ dội, tiếng nổ lớn như bom, tôi phải ôm con chạy vì lay nó không thức dậy”, chị nói với VTC News.
Rung lắc xảy ra tầm 1 phút, chị chỉ vừa kịp mặc áo ấm cho con. Mọi người đều tháo chạy. “Một sự hoảng loạn toàn diện xảy ra ở thành phố của tôi. Ôm con chạy khỏi tòa nhà lúc 4h15 sáng trong thời tiết lạnh giá bởi trận động đất 7,4 độ richter”, chị cập nhật tình hình sau đó trên trang cá nhân.
Gần 3 năm trước, chị Phương cũng đã trải qua một trận động đất lớn 6,4 độ richter nên đã có kinh nghiệm. Nhưng khác với những lần trước, thảm họa lần này quá lớn khiến chị và mọi người xung quanh đều hoang mang, hoảng sợ. Gia đình chồng chị có 2 trẻ nhỏ và 1 người lớn đều đã thiệt mạng.
"Ai cũng lo sợ lại bị động đất nữa"
Các khu vực Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng của rung chấn đầu tiên (màu đen là cường độ mạnh nhất). (Nguồn: New York Times)
Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu hơn 100 dư chấn động đất mạnh hơn 4 độ richter kể từ trận động đất mạnh 7,8 độ richter tấn công khu vực đông nam dọc biên giới với Syria vào ngày 6/2.
Chị Phương cho biết từ hôm xảy ra động đất, chị có quay về nhà một lần để lấy quần áo và thấy tường nứt nhiều đường nham nhở, ngoài ra không bị hư hỏng gì. Dù vậy, mọi người đều lo sợ trước các dư chấn. “Ai cũng hoang mang lo sợ lại bị động đất nữa”, chị nói.
Tại nơi chị đang trú tạm, vẫn có điện nước nhưng nước máy khá đục nên phải mua thêm nước đóng chai để nấu ăn. Bên cạnh đó, vài ngày qua đường ống gas bị vỡ nên chỉ có gas một ngày 3 tiếng, "mùa đông không có gas thì lạnh lắm", chị cho biết.
Bên trong điểm trú ẩn gần nhà chị Phương ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: NVCC)
Chị Phương chia sẻ thêm: “Ngày thứ hai sau động đất, thực phẩm ở chỗ tôi có tăng giá nhiều. Ví dụ bình thường một khay trứng gà 30 quả giá 58 lira (khoảng 72.000 đồng), thì hôm đó tôi phải trả 71 lira. Rau củ quả cũng tăng giá khoảng 20%”.
Hiện chị đã nhận được hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara, cũng như từ những người là cô dâu Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ để trang trải cuộc sống trước mắt. Chị Phương cảm thấy tình hình của mình so với người khác không quá khó khăn.
Nói về những dự định sắp tới, chị cho biết trước mắt sẽ trú ngụ thêm 1-2 tuần rồi quay về nhà. “Vốn dĩ năm nào Thổ Nhì Kỳ cũng bị động đất ở thành phố này hoặc thành phố khác. Nhưng năm nay động đất quá lớn, thiệt hại kinh khủng nên trong lòng ai cũng hoảng sợ không riêng gì tôi. Trước mắt tôi sẽ trú ngụ thêm 1 hoặc 2 tuần rồi sẽ quay về nhà mình. Cuộc sống luôn tiếp diễn nên chẳng thể chạy trốn nó được".
Trong họp báo thường kỳ chiều 9/2, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết, chưa ghi nhận công dân Việt Nam nào gặp nạn trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã khẩn trương liên hệ với cơ quan chức năng tại hai nước sở tại và đầu mối cộng đồng người Việt Nam để tìm hiểu thông tin về khả năng có công dân Việt Nam gặp nạn hay không. Đến nay, công tác cứu nạn vẫn đang được triển khai tích cực.
Theo ông Đoàn Khắc Việt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Iran kiêm nhiệm Syria vẫn sẽ theo dõi sự việc, cũng như sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo vệ công dân khi cần thiết.