Đối với đa số người Việt, cố Thủ tướng Shinzo Abe là người tạo ra nhiều thiện cảm với họ, và sự ra đi của ông để lại nhiều thương tiếc.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Ảnh: TTXVN)
Một cú sốc và nỗi buồn
“Nhật Bản trong mắt tôi là đất nước an toàn, nên khi biết tin cựu Thủ tướng bị bắn, tôi bàng hoàng, thậm chí đã nghĩ đây là thông tin sai sự thật”, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, 25 tuổi, nhân viên kinh doanh sống tại thành phố Shiga, Nhật Bản, nói với VTC News chiều 8/7, không lâu sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời.
Cùng chung suy nghĩ, anh Vương Thanh Tùng, 30 tuổi, làm kinh doanh tự do tại Nhật “không nghĩ ở đây lại xảy ra chuyện như vậy được”. Anh cảm thấy thương tiếc ông Abe vì ông là một người tốt, tận tâm với công việc, được nhiều người yêu quý.
Anh nói thêm, người Nhật “gần như không nói nên lời” sau vụ việc, vì không ngờ rằng nó lại xảy ra ở đất nước họ. Nhật Bản “hầu như không có vụ án bằng súng nào. Điều này vừa là đau thương, vừa trúng vào lòng tự tôn của người Nhật, nên họ rất sốc”.
Còn anh Phạm Ngọc Tuấn, kỹ sư cơ khí sống tại thành phố Osaka (Nhật Bản), chia sẻ, sống ở Nhật, mọi người ra khỏi nhà không cần khoá cửa, hàng giao để ở hiên cũng không mất.
Vụ tấn công ông Abe gây sốc không chỉ đối với người dân Nhật Bản mà còn với cộng đồng quốc tế, vì chính sách kiểm soát việc sở hữu súng ở Nhật được đánh giá rất nghiêm ngặt.
Theo thông tin ban đầu từ cảnh sát, nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, thừa nhận bắn ông Abe bằng súng tự chế. Cựu Thủ tướng khi đó đang phát biểu cho chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ Tự do trước một ga tàu tại Nara, thành phố phía Đông Osaka. Sau khi được đưa đến bệnh viện, ông qua đời vì mất máu quá nhiều, theo các bác sĩ Đại học Y Nara.
Người dân tưởng nhớ ông Abe. (Ảnh: Reuters)
Tăng cường an ninh
Theo chị Nguyễn Phương Thanh, 26 tuổi, làm nghề tự do tại thành phố Osaka, dù Nhật Bản khá an toàn, nhưng cũng từng có những vụ việc như tấn công trên tàu điện, phóng hỏa vì tư thù cá nhân.
Sau vụ việc với cựu Thủ tướng Abe, chị Thanh nghĩ nên thắt chặt an ninh hơn khi các quan chức Nhật Bản đi vận động. “Một khi đã là lãnh đạo thì rủi ro nguy hiểm vẫn nhiều hơn người dân bình thường”, chị nói.
Theo chị Thanh, các lãnh đạo đi vận động tranh cử thường muốn tạo hình ảnh thân thiện, gần gũi. Điều này có thể khiến nguy cơ an ninh phát sinh nhiều hơn.
Cựu Thủ tướng Abe trước khi bị bắn cũng ở gần đám đông, theo Reuters. Tuy nhiên, việc đến gần đám đông vận động bầu cử vốn là việc ông và những chính khách khác đã làm trong hàng thập kỷ.
Sau vụ ám sát hôm 8/7, các quan chức Nhật Bản đã được yêu cầu tạm dừng các hoạt động vận động bầu cử. Cuộc bầu cử vẫn diễn ra như dự kiến, khi Thủ tướng Kishida tuyên bố “không bao giờ nhượng bộ trước bạo lực”.
Ấn tượng về cố Thủ tướng Abe Shinzo
Đối với người Việt tại Nhật, cố Thủ tướng Abe Shinzo còn là người có nhiều chính sách giúp cho du học sinh, thực tập sinh và những lao động nước ngoài tại đây, cũng như chính cộng đồng người Việt Nam.
Cố Thủ tướng Nhật Abe Shinzo (đứng giữa hàng đầu) mặc áo dài chuẩn bị chụp ảnh tại Hội nghị cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội. (Ảnh: Reuters)
Theo anh Lê Hà Thành, 26 tuổi, chuyên viên công nghệ thông tin, sống tại thành phố Fukuoka, nhờ các chính sách của ông Abe, người Việt Nam đã có thể ở lại làm việc lâu hơn.
Ngoài ra, trong đợt dịch COVID-19, Nhật Bản có hỗ trợ toàn dân, kể cả người nước ngoài, số tiền khoảng 17 triệu đồng, tính theo tỷ giá hiện tại.
“Nhờ chính sách hỗ trợ trong mùa dịch của ông Abe đã giúp gia đình tôi cùng nhiều gia đình bớt khó khăn hơn về kinh tế”, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến nói.
Anh Tuấn ở Osaka cũng đồng quan điểm khi chia sẻ: “Ông Abe là người có rất nhiều chính sách cho người lao động nước ngoài, và đặc biệt là người Việt Nam tại Nhật. Ông cũng là người đã đóng góp rất nhiều cho mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản được tốt đẹp và bền chặt như hiện tại”.