Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Người Việt mua thuốc kháng sinh dễ như mớ rau ngoài chợ'

Việc người dân tự ý mua và sử dụng kháng sinh là một phần nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các vi khuẩn đa kháng, gây khó khăn trong điều trị.

Trong những năm gần đây, một số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tình hình kháng kháng sinh của các vi khuẩn đang có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh ở mức cao.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) là đơn vị thường xuyên tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nhiễm trùng do căn nguyên vi khuẩn đa kháng thuốc. Thời gian gần đây, 2/3 ca bệnh tại khoa Hồi sức tích cực nhiễm loại vi khuẩn này.

Đặc biệt, cơ sở này mới tiếp nhận một bệnh nhân 24 tuổi, bị đa chấn thương gồm lồng ngực, ổ bụng và cột sống dẫn đến liệt, phải thở máy kéo dài. Sau chấn thương, bệnh nhân này bị nhiễm khuẩn tại nhiều vị trí trên cơ thể như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng vết mổ và không may có tới 3 vi khuẩn đa kháng khiến việc điều trị rất khó khăn.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh minh họa: Quốc Toàn)

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết nếu không kháng kháng sinh, việc điều trị bằng thuốc cho những trường hợp như bệnh nhân này thường dễ dàng hơn nhiều. Thời gian điều trị nhiễm trùng thường dưới 2 tuần cùng chi phí thấp.

"Trường hợp này trước đó đã điều trị tại một số bệnh viện trung ương gần 2 tháng nhưng không thể dứt điểm do kháng kháng sinh. Hiện tại, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong điều trị cho các bệnh nhân như vậy", bác sĩ Khiêm chia sẻ.

Tại sao tình trạng kháng kháng sinh ngày một gia tăng?

Theo tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình trạng các vi khuẩn đa kháng gia tăng đến từ 3 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ bản thân các vi sinh vật, điển hình là vi khuẩn. Khi sinh ra, các vi khuẩn luôn tìm cách thích nghi với áp lực từ kháng sinh bằng một số cơ chế cụ thể. Nó có thể thay đổi đích tác động để kháng sinh không thể ảnh hưởng đến nó, ngăn kháng sinh ngấm vào, bơm đẩy, né tránh hoặc trú ngụ trong tế bào... Ngoài ra, một số vi khuẩn đã kháng kháng sinh ngay từ khi sinh ra.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự gia tăng của vi khuẩn đa kháng là thói quen sử dụng kháng sinh của con người, đặc biệt ở Việt Nam. Hiện nay, chúng ta sử dụng kháng sinh rộng rãi trong nông nghiệp, chăn nuôi và chính môi trường y tế. Tuy nhiên, sự bất hợp lý trong việc sử dụng kháng sinh tạo điều kiện để vi khuẩn tiếp xúc thường xuyên với kháng sinh.

iến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Quốc Vương)

"Áp lực khi thường xuyên tiếp xúc kháng sinh là điều kiện tốt để vi khuẩn thực hiện chọn lọc tự nhiên, tạo ra các vi khuẩn kháng kháng sinh. Trong khi đó, các vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh đã chết hết", tiến sĩ Điền giải thích.

Nguyên nhân cuối cùng của tình trạng kháng kháng sinh là lối sống thiếu lành mạnh, sự thay đổi môi trường khiến các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, ung thư..., tăng lên. Các bệnh lý này làm thay đổi hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn cư trú trong cơ thể.

Tốn kém và gây khó khăn trong điều trị

Khi đối mặt vi khuẩn kháng kháng sinh, các bác sĩ thường phải lựa chọn phác đồ điều trị phối hợp nhiều loại kháng sinh, nồng độ cao và thời gian dài. Một số trường hợp mắc vi khuẩn cực kháng hoặc toàn kháng, chống lại tất cả loại kháng sinh hiện có khiến các bác sĩ không còn "vũ khí" để điều trị và phải "bó tay".

Lúc này, việc duy nhất các bác sĩ có thể làm là hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Tình trạng kháng kháng sinh kéo dài khiến tình trạng bệnh nặng hơn và còn trở thành gánh nặng đối với kinh tế.

"Khi điều trị cho bệnh nhân kháng kháng sinh, chúng tôi buộc phải sử dụng các phác đồ phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh. Đa số loại thuốc này có chi phí khá đắt đỏ. Bên cạnh đó, liệu trình điều trị của bệnh nhân cũng sẽ bị kéo dài, khiến chi phí tăng cao", tiến sĩ Điền lý giải.

Dù tốn kém, khả năng thành công của việc điều trị cho bệnh nhân kháng kháng sinh là không cao. Theo bác sĩ Khiêm, một số vi khuẩn chỉ kháng một loại kháng sinh nhưng có những vi khuẩn sẽ kháng tất cả. Khi đó, các bác sĩ sẽ phải tìm cách tiếp cận khác.

Bên cạnh đó, việc gia tăng liều kháng sinh vẫn phải nằm trong giới hạn cho phép. Một số loại thuộc có thêm các tác dụng phụ, không thể tăng liều.

Khoa học hụt hơi và yêu cầu phải thay đổi

Về lý thuyết, kháng sinh là các loại thuốc sinh ra với mục đích tiêu diệt vi khuẩn và chữa những bệnh lý liên quan vi khuẩn đó. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, vi khuẩn sẽ luôn tìm cách để không bị tác động bởi kháng sinh. Quá trình này chính là chọn lọc tự nhiên.

Sau một khoảng thời gian, vi khuẩn thành công trong việc sinh ra cơ chế kháng kháng sinh. Lúc này, các nhà khoa học trong ngành y sẽ phải nghiên cứu và chạy đua với vi khuẩn để tìm ra một loại kháng sinh mới.

Tuy nhiên, bác sĩ Đồng Phú Khiêm nhận định: "Khoảng 20 năm trở lại đây, khoa học bắt đầu hụt hơi trong cuộc đua này, rất ít kháng sinh mới được ra đời. Trong khi đó, các loại vi khuẩn đa kháng đang đó xu hướng gia tăng, bác sĩ không còn hoặc rất ít lựa chọn điều trị. Nếu không có cách khống chế, tiết kiệm nguồn lực, chúng ta dễ quay lại kỷ nguyên trước khi không có kháng sinh, cứ nhiễm trùng là thua".

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm thăm khám cho bệnh nhân kháng kháng sinh. (Ảnh minh họa: Quốc Toàn)

Đồng ý với nhận định đó, tiến sĩ Vũ Minh Điền cho biết để nghiên cứu ra một loại kháng sinh mới, ngành y học cần tối thiểu 5 năm, thậm chí 10-15 năm. Việc nghiên cứu và sản xuất kháng sinh của chúng ta luôn đi sau sự phát triển đề kháng của vi khuẩn, do đó, việc tiết kiệm, sử dụng kháng sinh hợp lý là đặc biệt quan trọng.

"Trong 3 nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các vi khuẩn đa kháng, con người là yếu tố duy nhất có thể thay đổi. Người Việt mua thuốc kháng sinh dễ như mớ rau ngoài chợ dẫn đến lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp và chính sức khỏe của mình. Đây là vấn đề chỉ có ở Việt Nam dù đã tiến hành nhiều giải pháp trong quản lý, cung ứng và bán thuốc", tiến sĩ Điền nói.

Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần xây dựng một lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn và ăn uống hợp lý, tránh những thực phẩm ảnh hưởng hệ miễn dịch như rượu bia hay các chất khó chuyển hóa.

Ngoài ra, người dân cần thông thái khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào và nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, tránh lạm dụng kháng sinh. Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế sớm để thăm khám và xử lý kịp thời.

Nguồn: Zing News

Tin mới