Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người Việt 5 châu kỳ vọng Đại hội XIII, đề xuất chiến lược trọng dụng nhân tài

(VTC News) -

Người Việt Nam học tập và làm việc ở nước ngoài bày tỏ sự quan tâm, góp ý giá trị cho sự kiện chính trị trọng đại của đất nước - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2 là sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021, không chỉ nhân dân trong nước mà đông đảo người Việt ở nước ngoài đặc biệt quan tâm, gửi gắm những kỳ vọng.

Nhân tài là tài nguyên

Tiến sĩ Nguyễn Thái Tài (32 tuổi) đang làm việc tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc bày tỏ tin tưởng vào đường lối chiến lược, quyết sách đúng đắn được nêu trong các Dự thảo Văn kiện, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng khoá XIII.

Năm 2020, toàn thế giới đối mặt với đại dịch COVID-19. Nền kinh tế một số nước kiệt quệ, chính trị, xã hội rối loạn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam cùng chung sức, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế mạnh mẽ. Việt Nam được cả thế giới tôn vinh là điểm sáng chống dịch COVID-19.

Cùng với dịch bệnh, năm 2020, Việt Nam liên tiếp hứng chịu thiên tai, với các trận bão lũ, sạt lở lớn nhất trong lịch sử ở miền Trung- Tây Nguyên. Nhưng, sự tàn phá dữ dội của thiên nhiên không thể làm chúng ta “gục ngã”.

GDP năm 2020 của Việt Nam tăng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Xuất siêu đạt kỷ lục, vượt 19,1 tỷ USD. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hành thí nghiệm. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Tiến sĩ Tài cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị, Văn kiện trình tại Đại hội Đảng toàn quốc khoá XIII là bức tranh tổng thể của đất nước trong những năm qua và cả những năm tiếp theo, tầm nhìn tới năm 2045.

Nội dung các báo cáo cho thấy Đảng ta có tầm nhìn chiến lược dài hơi, đánh giá đúng, trúng và đầy đủ những điều kiện thúc đẩy xã hội, kinh tế, văn hoá, giáo dục…phát triển, bắt kịp thế giới trong 10 - 15 năm tới.

Tôi đánh giá cao và hoàn toàn đồng ý với những nội dung, định hướng của dự thảo văn kiện nêu. Văn kiện được xây dựng trên tinh thần phát huy tính dân chủ và lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, cán bộ, đảng viên và Nhân dân theo cách có chọn lọc, sát với thực tiễn xã hội và thách thức cuộc cách mạng công nghệ khoa học 4.0 và sau này sẽ là 5.0”, Tiến sĩ Tài chia sẻ.

Là nhà khoa học có thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, Tiến sĩ Nguyễn Thái Tài cho rằng, từ lâu, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn đưa ra các chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên những quyết sách này chưa được xây dựng thành chiến lược cụ thể mang tính định hướng, tầm nhìn lâu dài; chưa có những ưu đãi thu hút mạnh mẽ nhà khoa học Việt từ nước ngoài trở về nước cống hiến.

Nhiều nhà khoa học khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu thập. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ chưa cao dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, người tài “dứt áo” ra nước ngoài làm việc.

Nhân tài là tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia, cần phải được thu hút và trọng dụng như lực lượng vật chất quan trọng bậc nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tiến sĩ Tài nói.

Chúng ta phải coi việc phát hiện và tiến cử nhân tài là quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, mọi cơ quan, tổ chức. Khi đó, nhân tài sẽ được hưởng cơ chế tuyển chọn và đãi ngộ đặc biệt, không hạn chế độ tuổi, phạm vi lựa chọn nguồn nhân sự, có môi trường thể hiện tài năng, hết mình cống hiến cho đất nước.

Đảng, Nhà nước ta cần có chính sách khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức; đồng thời tiến cử, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, trọng dụng đúng nhân tài.

Do vậy, Tiến sĩ Nguyễn Thái Tài kỳ vọng, thông qua Đại hội Đảng khoá XIII, chúng ta sẽ có thêm nhiều chính sách đột phá hơn và được cụ thể hoá thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật tương ứng.

Bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao

Nhất trí với các nội dung trong Dự thảo Báo cáo chính trị, Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc khoá XIII, nghiên cứu sinh Lê Hoàng Bảo (28 tuổi), Đại học Công nghệ Florida (Mỹ) tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, có nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, các mục tiêu đề ra trong Văn kiện sẽ đạt được: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đại học Công nghệ Florida (Mỹ). 

Để đạt được những mục tiêu trên, theo Lê Hoàng Bảo, cần có nhiều chính sách quan tâm hơn nữa đến việc phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao một cách thực chất hơn.

Nhân lực chất lượng cao không chỉ thể hiện ở tấm bằng, chứng chỉ học vấn, nghề nghiệp mà ở chất lượng văn hóa, trình độ tay nghề, kỹ năng lao động để làm ra các sản phẩm đạt chất lượng cao.

Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào về số lượng, nhưng đáng tiếc lại hạn chế về chất lượng. Số sinh viên sau khi tốt nghiệp phần nhiều phải đào tạo lại và mất vài năm mới quen việc.

Số lượng đào tạo ở trình độ đại học trở lên những năm gần đây tăng đáng kể, nhưng chất lượng phần lớn chưa đạt các tiêu chí về nhân lực chất lượng cao. Do vậy, nhiều người không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, không đủ sức cạnh tranh với nhân lực từ nước ngoài sang Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thiếu đội ngũ giảng viên trình độ cao ở bậc đại học. Nội dung chương trình đào tạo chưa thường xuyên cập nhật đáp ứng sự thay đổi của khoa học - công nghệ. Cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện, giáo trình chưa phong phú.

Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội cũng hạn chế trong các trường đại học. Cơ cấu đào tạo theo ngành nghề, trình độ đào tạo thiếu tính quy hoạch lâu dài. Các cơ sở đào tạo chưa đủ thông tin về cung, cầu lao động, nên việc xây dựng ngành nghề, chỉ tiêu và trình độ đào tạo hằng năm không sát thực tiễn.

Nghiên cứu sinh Lê Hoàng Bảo cho rằng, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính quyết định để thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Quan điểm này cần được cụ thể hóa theo từng nhóm giải pháp.

Về chính sách phát triển của nhà nước, anh Bảo cho rằng cần xác định rõ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định; tổ chức thực hiện chính sách là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần cải thiện thông tin về thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia và cơ sở dữ liệu về đầu tư nguồn lực.

Còn với các trường đại học, anh Lê Hoàng Bảo nhận định việc đầu tiên và cấp bách là chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trình độ cao; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trên cơ sở thực hiện xã hội hóa giáo dục; đào tạo gắn với việc làm và theo nhu cầu xã hội.

Hà Cường

Tin mới