Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người vi phạm chửi bới, dọa đánh cảnh sát Phú Thọ: 'Hành vi lăng mạ quyền lực Nhà nước'

"Đấy không phải cá nhân lăng mạ cá nhân mà là lăng mạ quyền lực Nhà nước", Đại úy Ngụy Duy Phương bình luận về việc người vi phạm giao thông chửi bới, dọa đánh cảnh sát ở Phú Thọ.

Liên quan đến vụ việc nam thanh niên vi phạm luật giao thông liên tục thoá mạ, dọa đánh cảnh sát ở Phú Thọ, Đại úy Ngụy Duy Phương - Phó trưởng Đồn Công an Bình Minh (Thanh Oai - Hà Nội) tỏ ra rất bức xúc: "Cái này có thể mời nhân chứng, lập biên bản làm việc về tội lăng mạ người thi hành công vụ. Thậm chí có thể xử lý theo tội chống người thi hành công vụ bởi hành vi và lời nói lăng mạ đó nhằm mục đích cản trở việc thi hành công vụ".

Video: Người vi phạm chửi bới, thóa mạ, dọa đánh cảnh sát rồi tung clip lên mạng 

"Tôi làm giao thông từ công an thành phố đến quận và đã từng gặp những đối tượng có hành vi tương tự như thế này. Có vài trường hợp khi được giải thích và răn đe thì họ chấm dứt hành vi đó. Còn những trường hợp có hành vi lăng mạ kéo dài, ngoan cố thì phải kiên quyết xử lý", Đại úy Ngụy Duy Phương nói.

Đại úy Ngụy Duy Phương -  Phó trưởng Đồn Công an Bình Minh (Thanh Oai - Hà Nội).

Nói về cách xử lý của cảnh sát trật tự Công an TP. Việt Trì trước hành vi lăng mạ của người đàn ông vi phạm, Đại úy Phương cho rằng: "Các đồng chí đó quá hiền, có phần xử lý chưa đúng quy định. Đấy không phải cá nhân lăng mạ cá nhân mà là họ lăng mạ quyền lực Nhà nước.

Các anh cảnh sát nên vừa ghi hình vừa giải thích dõng dạc, kiên quyết về hành vi của người dân, cảnh cáo họ phải chấm dứt việc lăng mạ. Mình phải bình tĩnh, mềm dẻo nhưng cương quyết".

Người đàn ông vi phạm giao thông bất hợp tác và liên tục thoá mạ cán bộ, chiến sỹ CSTT. (Ảnh cắt từ clip)

Còn về việc người đàn ông trong clip liên tục hoạnh họe cảnh sát: “Tao ra làm việc, chúng mày đã chào hỏi tao chưa?, Đại úy Phương cho rằng đó chỉ là cái cớ để chống đối.

"Việc chào hỏi của cảnh sát khác với kiểu chào hỏi lễ phép thông thường, nó không phải nghi thức thể hiện sự thành kính giữa kẻ dưới với bề trên, đó là cái cớ để chống đối, muốn vin vào việc không chào hỏi để phản kháng nhằm xí xóa hành vi vi phạm. Điều đó không chấp nhận được", Đại úy Duy Phương nói.

Có chung quan điểm với Đại úy Ngụy Duy Phương, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ CSGT đội 1 - CATP Hà Nội cho rằng, việc chào người vi phạm được thực hiện khi cảnh sát dừng xe, mời người vi phạm xuống xe. Họ chấp hành các mệnh lệnh đó, không có thái độ phản kháng, trang phục phù hợp thì mới tiến hành chào.

 Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Nguyên cán bộ CSGT đọi 1 - CATP Hà Nội.

Thượng tá Quỹ lấy dẫn chứng cụ thể: "Ví dụ như anh ngồi trong ô tô thò đầu ra hỏi ông chào tôi chưa? Hoặc ngồi trên xe mô tô gắn máy, không xuống xe, không chấp hành yêu cầu của cảnh sát thì trường hợp đó không bắt buộc phải chào".

Theo Thượng tá Quỹ, chào là thể hiện sự trân trọng. Chào bằng nhiều cách, có thể bằng tay, bằng lời nói và cũng có thể bằng nụ cười, ánh mắt. Tùy theo từng hoàn cảnh mà chào cho phù hợp, không nhất thiết bắt buộc phải giơ tay chào.

"Nếu lực lượng chức năng làm không đúng với quyền năng của mình thì người dân có quyền ghi vào trong biên bản vi phạm hành chính đó. Ghi vào đó những thái độ của lực lượng đang làm nhiệm vụ. Đồng thời, có thể ghi âm, hoặc quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng. Làm như vậy thì vừa tuân thủ pháp luật vừa nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của người tham gia giao thông, CSGT", Thượng tá Quỹ nói.

Trước đó như VTC News đã đưa tin, đêm 10/3, mạng internet xuất hiện đoạn clip dài hơn 3 phút ghi lại cảnh một nam thanh niên buông lời thách thức, thóa mạ các cán bộ chiến sỹ thuộc Đội Cảnh sát trật tự (CSTT) - Công an TP. Việt Trì, Phú Thọ.

Nội dung clip cho thấy, nam thanh niên mặc áo đen vi phạm giao thông và bị các chiến sỹ Đội CSTT, Công an TP. Việt Trì lập biên bản. Nhưng thay vì nghiêm túc chấp hành, nam thanh niên lại liên tục chửi bới các chiến sỹ cảnh sát bằng những lời lẽ rất tục tĩu.

Khi được một cán bộ công an đề nghị vào lập biên bản, người này nói: “Tao không phải khai. Chúng mày là cái … gì mà tao phải khai”. Sau đó, nam thanh niên này bỏ đi chỗ khác.

Các cán bộ, chiến sỹ Đội CSTT Công an TP. Việt Trì tiếp tục giải thích, đề nghị hợp tác nhưng người đàn ông này vẫn không ngừng thoá mạ, chửi bới: "Thằng nào làm việc với tao ra chào tao... cái lũ chúng mày...".

Thậm chí, người này còn buông lời thách thức, doạ đánh một cán bộ công an đang làm nhiệm vụ ở đó: “Mày bỏ mũ ra tao đánh mày chết luôn đấy con ạ”.

Luật sư nói gì? 

Nhận định vụ việc trên, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: "Không rõ người đàn ông này vi phạm lỗi gì và trước đó những cán bộ công an kia có hành động nào chưa đúng tác phong ngành hay thái độ chưa đúng mực với người đàn ông này hay không, tuy nhiên hành vi của người đàn ông đã vi phạm Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cụ thể như sau:

"Điều 20: Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ quy định:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ."

Video: Người chống đối CSGT ở Việt Nam nên xem đoạn video này    

Kim Thược

Tin mới