Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương áp dụng các quy định về phòng, chống dịch đối với người từ vùng có dịch về quê đón Tết.
Tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu tất cả các lực lượng, địa phương phải vào cuộc với tinh thần và quyết tâm cao nhất như trong giai đoạn cả thành phố có dịch hồi tháng 8/2020.
Đà Nẵng sẽ thành lập lại các chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ ra vào thành phố, sân bay, cảng biển… để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan.
Các lực lượng cảnh sát khu vực, cán bộ tổ dân phố thường xuyên rà soát, báo cáo rà soát, phát hiện để có biện pháp xử lý, can thiệp y tế, theo dõi sức khỏe phù hợp đối với những người đi qua hoặc đến từ vùng có dịch lưu trú trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây.
Đà Nẵng sẽ thành lập các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố để kiểm soát, phòng chống dịch.
Sở Y tế Đà Nẵng cũng có thông báo cho các trường hợp về từ vùng có dịch phải chủ động đến trạm y tế nơi lưu trú hoặc trung tâm y tế quận, huyện khai báo để được tư vấn các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Cụ thể, người dân từng đến, về từ TP Chí Linh (Hải Dương) trong thời gian từ ngày 1/1 đến nay, người từng đến, về từ Sân bay Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) từ ngày 5/1 đến nay, người từng đi đến, về hoặc có liên quan đến các bệnh nhân, liên quan đến các ổ dịch trên cả nước đều phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Tùy vào thời gian người dân rời Hải Dương, Quảng Ninh về Đà Nẵng mà số lần xét nghiệm sẽ được chỉ định thực hiện 1 hoặc 2 lần.
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện tất cả các trường hợp trở về Quảng Nam từ các địa phương có ca dương tính, nhất là các trường hợp trở về từ các địa điểm được Bộ Y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo.
Đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) tính từ ngày 13/1 trở lại đây của tỉnh Hải Dương và từ ngày 15/1/ trở lại đây của tỉnh Quảng Ninh thì cách ly tập trung bắt buộc 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay theo quy định (về chế độ cách ly và thời gian, số lần lấy mẫu xét nghiệm cần điều chỉnh cho phù hợp).
Những trường hợp khác về từ các địa phương có ca dương tính với SARS-CoV-2 bắt buộc khai báo y tế, cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo đúng quy định của Bộ Y tế và phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Yêu cầu các hành khách đi từ Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và người từ TP Chí Linh (Hải Dương) về Quảng Nam từ ngày 15/1 trở lại đây phải liên hệ cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Tất cả các trường hợp từ các địa phương khác về Quảng Nam phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ tại địa phương.
Tại Quảng Bình, ngày 4/2, UBND tỉnh có văn ban yêu cầu sở, ban, ngành, đoàn thể khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, thực hiện cách ly 21 ngày đối với các trường hợp thuộc đối tượng cách ly theo Quyết định 878 của Bộ Y tế, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.
Theo đó, người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 (theo thông tin của Bộ Y tế), người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế.
Thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 21 ngày đối với các trường hợp thuộc đối tượng cách ly theo Quyết định 879 của Bộ Y tế, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.
Trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú nhưng không thực hiện các biện pháp biện pháp cách ly theo quy định thì áp dụng hình thức cưỡng chế cách ly tập trung và phải chịu toàn bộ chi phí.
Trả lời VTC News, ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cho biết, người dân từng đi đến, về từ TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong thời gian từ ngày 1/1 và sân bay Quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 5/1 đến nay phải chủ động đến trạm y tế nơi lưu trú hoặc trung tâm y tế huyện khai báo để được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Các địa phương tăng cường phòng chống dịch COVID-19.
Tại Quảng Trị, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức khai báo y tế bắt buộc đối với người đến hoặc đi qua hoặc trở về từ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố có dịch kể từ ngày 1/1 và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo từng cấp độ.
Cụ thể, áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với người đến hoặc đi hoặc trở về từ huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh đang áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và những người có tiếp xúc gần hoặc đến các điểm nguy cơ được Bộ Y tế công bố kể từ ngày 15/1.
Áp dụng biện pháp cách ly tại nhà, nơi cư trú đối với người đến hoặc đi qua hoặc trở về từ huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 15/CT-Ttg ngày 27/3/2020 kể từ ngày 15/1. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện lấy mẫu sàng lọc SARS-CoV-2 trong thời gian cách ly tại nhà.
Yêu cầu tự theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người trở về từ ngày 1/1 đến 14/1 và người đến hoặc đi qua hoặc trở về từ các địa bàn thuộc tỉnh, thành phố có dịch khác không thuộc 2 điểm ở trên.
Tại Thừa Thiên-Huế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh này yêu cầu từ 12h ngày 3/2 sẽ tổ chức cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân từ Quảng Ninh, Hải Dương; các quận, huyện thuộc TP Hà Nội đã được Bộ Y tế công bố có điểm dịch và các khu vực, địa điểm do Bộ Y tế cập nhật, thông báo đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tất cả người dân đến Thừa Thiên-Huế (bao gồm cả người Huế về địa phương) bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định. Đồng thời, Thừa Thiên-Huế cũng tổ chức xét nghiệm PCR cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động đang làm việc tại Cảng hàng Không Quốc tế Phú Bài, Cảng Thuận An, Cảng Chân Mây, Ga Huế, Bến xe Phía Bắc, Bến xe Phía Nam.
Tại Thanh Hóa, Giám đốc Sở Y tế Trịnh Hữu Hùng cho biết, người lao động, người dân về quê đón Tết sẽ tùy vị trí mới bị cách ly hay không. “Những người từng sinh sống ở các điểm có dịch, khi về quê sẽ phải cách ly tập trung, còn vị trí khác có thể không”, ông Hùng nói.
Cũng từ ngày 3/2, tỉnh Thanh Hóa thành lập 4 chốt kiểm soát tại 4 cửa ngõ giao thương ra vào địa bàn trên các tuyến QL 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua thị xã Bỉm Sơn, huyện Thạch Thành, thị xã Nghi Sơn và huyện Như Xuân.
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cho biết, tất cả những người từ các địa bàn đang bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khi trở về đều thuộc diện cách ly tập trung và được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Những người có mặt vào thời gian F0 đã đến ở các địa điểm do Bộ Y tế thông báo đều phải khai báo y tế và hướng dẫn cụ thể.
Những người từ cùng dịch về quê đón Tết phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Tại Hà Tĩnh, Sở Y tế cũng ra thông báo, trường hợp phải cách ly tập trung 14 ngày thuộc diện có tiền sử tiếp xúc gần (F1) với người đến và về từ khu vực có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội; các nơi có ca nhiễm nCoV từng đến; vùng bị phong tỏa như Đại học FPT tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), TP Chí Linh (Hải Dương), Sân bay Quốc tế Vân Đồn, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh).
F2 được yêu cầu cách ly tại nhà, tránh tiếp xúc 2 m với các thành viên trong gia đình, thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
Tại Đắk Lắk, UBND TP Buôn Ma Thuột cũng có công văn hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp từ vùng đang có dịch về thành phố.
Theo đó, công dân sinh sống ở các địa bàn có dịch (các quận, huyện) khi về đón Tết sẽ phải các ly tại nhà theo quy định. Khuyến cáo người dân ở các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp như Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai thì không nên về, ai ở đâu, ở yên tại đó.