Chiều 7/11, đường Nguyễn Xiển ùn tắc nghiêm trọng sau khi xuất hiện lô cốt chiếm 2/3 lòng đường. (Ảnh: Ngô Nhung).
Hơn 1 năm sau khi mua được căn nhà tại toà chung cư CT2-X2 Bắc Linh Đàm (phố Bằng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), anh N.N.S. thường trực nỗi ám ảnh về ùn tắc giao thông khi di chuyển qua cung đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển.
Để vượt quãng đường 10km từ nhà tới cơ quan (đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đúng giờ quy định, mỗi ngày, anh phải rời nhà từ 6h30. Làm việc theo giờ hành chính, nhưng anh S. thường đặt chân về nhà lúc 20h. Lúc này, vợ anh đã mệt mỏi vì chờ chồng về ăn cơm, con gái 4 tuổi đã ngủ gật từ lúc nào vì không thể chờ gặp mặt bố vào buổi tối.
“Không ít lần, tôi cảm giác đói lả sau tay lái, nhìn thấy nhà nhưng phải đứng chôn chân, nhích từng centimet giữa biển người với những luồng giao thông xung đột, không có lối thoát”, anh S. cảm thán. Có những lúc đoạn đường cuối chỉ vài trăm mét nhưng phải mất hàng giờ để về tới nhà. Những lúc đó, người đàn ông này chỉ ước bỏ được ô tô giữa đường để đi bộ về nhà chứ không phải đứng chôn chân giữa đường.
Anh cho hay, có lần sơ ý quên đổ xăng, sau 1 giờ cầm cự, thoát được đoạn đường Phạm Hùng cũng là lúc xe hết xăng, anh phải thuê xe ôm đi mua xăng bằng chai nhựa.
“Nhiều lần tôi cũng chuyển từ ô tô sang đi xe máy, nhưng không cải thiện được nhiều. Chôn chân trên đường bằng ô tô vẫn dễ chịu hơn xe máy; rồi ngày nắng gắt, mưa gió thì ô tô vẫn là giải pháp tối ưu. Chưa kể tôi mắc bệnh viêm xoang, di chuyển bằng xe máy chịu cảnh khói bụi quả thật là cực hình”, anh S. nói.
Tỏ rõ sự mệt mỏi khi chia sẻ câu chuyện mà mình và hàng triệu người dân Thủ đô đang nếm trải, anh S. nói: “Vợ chồng tôi đang bàn chuyện bán nhà, chuyển đi nơi khác để tránh cung đường tắc nghẽn này. Tắc đường ở Hà Nội thật khủng khiếp. Tắc từ sáng tới đêm, bất kể ngày nào”.
Hơn 18h, ông N.N. (làm việc tại một đơn vị truyền thông nằm trên đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai), rời công ty về nhà tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm bằng xe buýt tuyến số 26 (Mai Động - Sân vận động Quốc Gia Mỹ Đình), dù giờ làm đã hết trước đó 1 tiếng.
“Tôi thường nán lại khoảng 30 phút đến 1 tiếng mới ra về bởi 17h là thời điểm giao thông tại Hà Nội căng thẳng nhất, ùn tắc kéo dài ở nhiều tuyến phố”, ông N. chia sẻ.
Dù vậy, ông vẫn phải ngồi trên xe buýt gần 2 tiếng mới về đến nhà, bởi cung đường dài 17,5 km mà xe đi qua có nhiều điểm ùn tắc khủng khiếp.
Cung đường xe buýt mà ông N.N. lựa chọn để đi từ công ty và nhà có nhiều "điểm nóng" về ùn tắc giao thông. (Ảnh: Anh Văn).
Trong đó, đường Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc (quận Đống Đa) đang bị quây tôn phục vụ thi công cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Các tuyến đường khác như Đê La Thành, Cầu Giấy, Xuân Thuỷ, Hồ Tùng Mậu với mật độ giao thông dày đặc do là nơi tập trung của nhiều trường đại học, văn phòng, công ty…
“Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố rồi các sở, ban, ngành luôn tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng để giảm ùn tắc nhưng với hạ tầng giao thông yếu kém, nhiều dự án quây tôn chiếm dụng lòng đường… thì đi phương tiện công cộng cũng tắc không kém gì phương tiện cá nhân”, ông N. nói.
Ngoài những lúc thảnh thơi được ngắm đường phố, “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”, giá thành rẻ, đi xe bus có muôn vàn nỗi khổ mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Ông N. cho hay, vào giờ cao điểm, hầu hết tuyến xe buýt đều trong tình trạng kẹt cứng, quá tải.
“Có những lần tôi đi vào giờ tan tầm, hơn 40 người trong không gian chiếc xe nhỏ hẹp, không khí ngột ngạt, nhiều mùi hôi, hôm nào trời mưa sàn nhơm nhớp bẩn…”, ông N. kể.
Đường thì tắc, trên xe thì ngột ngạt, khó chịu, khi về đến nhà, mấy ai còn sức lực, tinh thần để ăn cơm, trò chuyện cùng gia đình.
“Xe nhích từng chút trên đường, vợ con cứ 5-10 phút lại hỏi về chưa, cả nhà đang chờ cơm. Vô cùng sốt ruột, khó chịu, mệt mỏi! Có hôm về nhà, đứa cháu nội dang tay đón chờ ông bế, mình mệt chỉ biết lắc đầu. Ăn vội bát cơm cho xong còn nghỉ ngơi”, ông N. bộc bạch và cho rằng tình trạng tắc đường nghiêm trọng hiện nay đang ảnh hưởng cuộc sống gia đình ông.
Với đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, anh H.D. (trú tại huyện Thường Tín) không ngày nào không chứng kiến cảnh ùn tắc trên các tuyến đường mình đi qua.
Anh nhớ như in những “điểm đen” như Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, nút giao Ngã Tư Sở, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi… để chủ động “né” cho an toàn.
“Nhưng đúng là chạy trời không khỏi nắng. Hôm trước đi từ khu vực cầu Thăng Long qua vành đai 3 về Ngọc Hồi, đường trên cao ùn tắc, chọn lối xuống dưới thì Hà Nội quây tôn xây dựng trên đường Nguyễn Xiển. Đứng giữa biển xe khổng lồ, không thể nhúc nhích”, anh D. kể.
Theo anh D. tình trạng ùn tắc giao thông kém dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống của người dân.
Nhiều người dân Thủ đô mệt mỏi vì tắc đường triền miên. (Ảnh: Đắc Huy).
“Tắc đường không thể đi làm đúng giờ, ảnh hưởng công việc rồi thu nhập giảm sút là điều không thể bàn cãi. Đó là chưa kể những tác động xấu đến sức khoẻ thể chất như dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, sức khoẻ tinh thần”, anh D. nói.
Từ chính những gì bản thân đã và đang trải qua, người này cho hay, bị muộn giờ, đứng đợi vì tắc đường khiến tâm trạng chúng ta tồi tệ, rất dễ tức giận.
“Chưa kể đến việc những người xung quang lạng lách, tạt đầu, bấm còi inh ỏi vì ai cũng muốn thoát nhanh khỏi cảnh ùn ứ, khiến tôi luôn trong trạng thái ức chế, căng thẳng. Tích tụ lâu ngày, không được giải toả sẽ làm ta nóng nảy, dễ gây xích mích trong các mối quan hệ. Không ít lần sau khi thoát được cảnh tắc đường về nhà, tôi quát nạt vợ con vì những điều nhỏ nhặt không vừa mắt”, anh D. nói thêm.