Odessa, thành phố cảng ven biển Đen với hơn 1 triệu dân được cho là một trong những nơi có thể xảy ra các vụ tấn công sau khi Nga tấn công quân sự vào Ukraine từ ngày 24/2. Trong khi đó, một số thành phố khác như Mariupol đã chịu thiệt hại nặng nề.
Nhiều người dân Ukraine thấy mọi thứ thay đổi chỉ sau một buổi sáng thức dậy. Những người gốc Việt sống tại đây cũng không ngoại lệ.
Thành viên lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine đi tuần tại Odessa, ngày 4/3. (Ảnh: Reuters)
“Chồng tặng hoa chúc mừng sinh nhật tôi rồi nói chiến tranh đã xảy ra”
Chị Nguyễn Mai Lan, 30 tuổi, người Việt có gia đình tại Odessa, Ukraine nhớ lại: “Đêm 23 sáng 24, khoảng gần 4 giờ sáng, mọi người đã nghe thấy tiếng nổ ở một vài thành phố như Kiev, Odessa, Kharkov, Kherson… Tôi cùng chồng ngủ rất say và không biết gì.
Ngày 24/2 là ngày sinh nhật của tôi tròn 30 tuổi. Buổi sáng sớm chồng mang hoa đến tặng chúc mừng tôi. Rồi anh nói rằng chiến tranh đã xảy ra, rằng gần nhà có rất nhiều người đang mang theo hành lý, rằng các cây ATM trong siêu thị chật cứng người đang xếp hàng, mọi người vội vã đi đâu đó và ai cũng hoảng hốt. Nụ cười của tôi tắt lịm và nước mắt trào ra”.
“Tôi thật sự hoảng hốt vì bọn trẻ. Sau đó bố chồng gọi điện và đến đón chúng tôi về nhà ông ở ngoại ô thành phố. Ở đó an toàn hơn và chúng tôi đã nghe theo ông”.
Hiện chị Mai Lan cùng các con đã sơ tán đến Moldova. Tuy nhiên chồng chị (người Ukraine) phải ở lại vì quy định cấm xuất cảnh đối với nam giới từ 18-60 tuổi. Đó là một quyết định khó khăn đối với gia đình chị.
“Tôi quyết định đi di tản vào ngày thứ 6 của cuộc chiến dù chưa từng nghĩ đến việc phải chuyển đi đâu khác. Ở Odessa, chúng tôi đang hạnh phúc, có nhà cửa, bạn bè, công việc. Mọi thứ đều đang ổn. Chúng tôi đã và vẫn đang yêu thành phố của mình. Đối với tôi đó là thành phố tốt nhất và sống ở ven biển thật tuyệt vời.
Đến phút cuối tôi vẫn không muốn rời xa chồng. Nhưng gần nhà tôi đã nghe thấy tiếng nổ, tiếng pháo phòng không bắn, tiếng còi báo động. Xem tin tức, tôi thấy những gì đang diễn ra ở các thành phố khác, nhiều người đã chết như thế nào. Tôi hiểu rằng làm mẹ, tôi chịu trách nhiệm về những đứa con của mình và không được phép để chúng gặp nguy hiểm. Chúng tôi ra đi rất nặng nề. Chồng tôi đã khóc và trái tim tôi như bị xé ra. Nhưng chúng tôi phải đi vì sự an toàn của các con.
Tôi rất lo lắng cho chồng. Lo rằng anh ấy sẽ phải đi lính, ra trận, lo rằng sẽ xảy ra chuyện xấu. Tôi cũng lo lắng cho cả những người thân còn ở lại Odessa”.
Dòng người lánh nạn chiến tranh Ukraine tại khu vực gần biên giới Moldova. (Ảnh: Violeta Colesnic)
Gia đình chị Mai Lan quyết định sang Moldova vì đây là quốc gia láng giềng gần nhất. Họ trao đổi và cập nhật thông tin về tuyến đường với những người đã di tản, di chuyển bằng ô tô đến biên giới rồi có bạn bè đến đón, giúp chị và các con thu xếp chỗ ở tạm thời.
“Từ nhà tôi đến biên giới đi mất 4-5 tiếng. Đường đi khá an toàn. Chúng tôi đi xe ô tô đến biên giới và sau đó đi bộ qua biên giới. Mọi việc diễn ra thuận lợi và nhanh chóng”, chị kể.
“Tôi mang theo chủ yếu là đồ cho các con bởi vì hiện đang mùa đông rất lạnh. Tuyết vẫn rơi. Tôi cho tất cả vào một va li rất to. Kéo va li cùng với đứa bé trên tay thực sự vất vả, nhưng ở biên giới Moldova tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ từ các tình nguyện viên. Họ đưa tôi vào lều ấm áp, mời uống trà nóng, cho ăn, còn cho trẻ em sữa, bỉm, hoa quả. Những người dân Moldova thực sự tốt”.
Hy vọng mọi chuyện sẽ ổn
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ Anh, bố của chị Mai Lan cho biết, ông và người thân ở Việt Nam thường xuyên cập nhật tình hình qua Viber, hỗ trợ cho gia đình con gái họ tạm thời ổn định cuộc sống.
“Thời gian vừa qua tôi cũng qua bạn bè gửi tiền sang để hỗ trợ các cháu chi tiêu ban đầu. Khi Nga bắt đầu tấn công thì mọi người bên đó đều hoảng loạn, hầu như không rút được tiền ra khỏi ngân hàng, mua đồ thì đều thanh toán qua thẻ và tiền các cháu cũng để trong thẻ”, ông nói.
Chiến sự tiếp tục diễn ra trong khi Nga và Ukraine tổ chức các cuộc đàm phán. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Belarus/AA)
“Hy vọng Nga và Ukraine nhanh kết thúc quá trình đàm phán và ổn định tình hình để gia đình cháu có thể quay về. Hiện gia đình cũng chưa nghĩ xa, nhưng nếu chiến tranh kéo dài lâu nữa thì ở Moldova chắn chắn sẽ rất khó khăn vì các vấn đề như việc làm và tài chính. Gia đình cháu cũng có trẻ nhỏ cần chăm sóc”, ông cho biết thêm.
Bản thân ông Vũ Anh cũng đã có gần 20 năm sống tại Ukraine trước khi về Việt Nam. “Trước đó dù đọc được thông tin trên báo đài, từ khi các nước như Mỹ sơ tán nhân viên đại sứ quán... tôi và bạn bè tại Ukraine đều không thể ngờ sẽ có cuộc chiến với quy mô từ nhiều hướng như thế này”.
Mai Lan cho biết hiện chị và các con đã an toàn, nhưng chị rất lo lắng cho những người thân đang ở lại Ukraine và về những dự tính cho tương lai.
“Tôi rất nhớ và muốn quay về nhà với chồng. Con trai lớn đã hiểu tất cả và nó cũng nhớ bố. Thình thoảng nó khóc và nói muốn về nhà. Điều này làm một người mẹ là tôi thấy rất đau đớn. Tôi không biết khi nào chúng tôi sẽ được gặp lại, khi nào tất cả những chuyện này kết thúc, chuyện gì sẽ diễn ra. Nếu mọi chuyện kết thúc, có phải chúng tôi lại phải bắt đầu từ con số 0? Nhưng tôi biết rằng Ukraine là một đất nước mạnh mẽ. Người Ukraine mạnh mẽ và mọi chuyện sẽ ổn”.
Theo cập nhật của cơ quan Liên hợp quốc, khoảng 1,5 triệu người đã rời Ukraine từ khi chiến sự bắt đầu, khiến cho đây trở thành “cuộc khủng hoảng tị nạn phát triển nhanh nhất ở châu Âu từ Thế chiến II”.