Nhân vật chính trong câu chuyện này là Maria Angeles Duran, một phụ nữ người Tây Ban Nha, đồng thời là một nhà tâm lý học, nhà văn và luật sư. Cô được cả thế giới biết đến vào năm 2010 khi tuyên bố mình là chủ sở hữu của… Mặt trời.
Người phụ nữ Tây Ban Nha tuyên bố mình là chủ của Mặt trời.
Mọi chuyện bắt đầu khi Maria đang nghiên cứu tài liệu cho quyển sách mình đang viết. Đó là cách mà cô biết đến câu chuyện về Dennis Hope, một người Mỹ tiên phong trong việc bán đất ngoài Trái đất, người tuyên bố đã tìm thấy lỗ hổng pháp lý để đòi quyền sở hữu Mặt trăng.
Yêu sách dựa trên Hiệp ước Không gian được ký kết năm 1967, thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho các thiên thể. Tại đây có một quy định rằng “Vũ trụ, bao gồm cả mặt trăng và các thiên thể khác, không được trở thành đối tượng chiếm đoạt của một quốc gia bằng cách tuyên bố chủ quyền, sử dụng, chiếm đóng, hoặc bằng bất kỳ hình thức nào khác”.
Tuy nhiên, Dennis Hope đã tìm ra được sơ hở rằng, trong quy định đó không có sự cấm đoán nào đối với các cá nhân. Và Maria đã sử dụng lý do tương tự vào năm 2010 để đăng ký quyền sở hữu Mặt trời.
Maria đã dựa vào lỗ hổng trong Hiệp ước Không gian để đăng ký quyền sở hữu Mặt trời.
Trước yêu cầu rất bất thường này, phía luật sư của Maria lại đưa ra một chứng thư công chứng, tuyên bố Maria chính là "chủ sở hữu của Mặt trời". Trong đó viết, Maria là "Chủ sở hữu của mặt trời, một ngôi sao thuộc loại quang phổ G2, nằm ở trung tâm của hệ Mặt trời, cách Trái đất khoảng 149.600.000 km". Bản chứng nhận pháp lý được đăng ký dưới tên cô tại một văn phòng công chứng địa phương.
Sau khi có được giấy tờ tạm gọi là hợp pháp, Maria bắt đầu… rao bán các phần đất ở Mặt trời trên eBay với giá 1 euro (khoảng 24 nghìn VND) trên một mét vuông.
Tuy nhiên, sau hai năm, phía công ty đã đóng cửa gian hàng của Maria vì họ cho rằng đó không phải là hàng hóa hữu hình hoặc có thể vận chuyển được. Bực tức vì điều này, Maria đã đâm đơn kiện trang web trên. Maria rõ ràng đã nhận được 600 đơn đặt hàng Mặt trời, trị giá 1.200 euro (khoảng 29 triệu VND).
Ngoài vấn đề này, tranh chấp tư pháp tiếp tục diễn ra theo các hướng khác. Một nhóm người đã quyết định công nhận cô ấy là chủ sở hữu của ánh nắng mặt trời, và khởi kiện cô ấy vì những tổn hại mà nó gây ra cho làn da. Khó khăn là thế, nhưng tháng 11 năm 2021, Maria quyết định trở lại "cuộc chiến" giành quyền này. Như cô giải thích, ý định của cô là thu thuế nhân loại cho việc sử dụng Mặt trời.
Câu chuyện của người phụ nữ này đến nay vẫn gây tranh cãi cùng những cuộc chiến pháp lý không dứt.
Maria lập luận rằng những gì mình đang làm là hoàn toàn hợp pháp: “Tôi không ngu ngốc, tôi biết luật. Tôi đã làm điều mà bất kỳ ai khác cũng có thể làm được, trường hợp này chỉ đơn giản tôi là người tiên phong”, người phụ nữ chia sẻ.