Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai mới đây tiếp nhận nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội vào cấp cứu do đau bụng dữ dội, cơ thể suy kiệt.
Khi làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm toan chuyển hoá rất nặng, men gan lên tới hàng nghìn đơn vị/lít. Ngay lập tức, bệnh nhân được cho thở máy, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, đến ngày 6/1, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân không qua khỏi.
Nữ bệnh nhân được lọc máu, thở máy liên tục nhưng đã không qua khỏi. (Ảnh: BSCC)
Theo gia đình, bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiểu đường cách đây 2 năm và duy trì dùng thuốc theo đơn của bác sĩ kê. Gần đây, bệnh nhân đột ngột ngừng thuốc để chuyển sang áp dụng phương pháp ăn thực dưỡng lan truyền trên mạng. Theo đó, suốt 2 tháng qua, bệnh nhân chỉ ăn gạo lứt, muối vừng, sữa hạt và ngồi thiền.
Hậu quả, bệnh nhân bị suy kiệt nặng, sau 2 tháng sụt 7kg, tình trạng đau bụng tăng dần, đến khi không chịu nổi mới vào bệnh viện cấp cứu.
Khi siêu âm, bác sĩ phát hiện trong gan có nhiều khối, bụng có dịch, không loại trừ nguyên nhân do ăn uống thiếu chất, cơ thể suy kiệt làm khối u âm thầm to nhanh dẫn đến vỡ vào ổ bụng.
Trước đó tại Viện Tim mạch quốc gia cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội nguy kịch do ngừng tuần hoàn sau ăn chay bằng gạo lứt, muối vừng 41 ngày. Do được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân này may mắn qua khỏi.
GS Mai Trọng Khoa, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện rất nhiều bệnh nhân đang áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, bỏ đói tế bào thư để chữa bệnh. Song các bác sĩ khuyến cáo, đây là phương pháp chữa bệnh hết sức nguy hiểm, trước khi khỏi bệnh, bệnh nhân có thể chết vì suy kiệt, rối loạn chuyển hoá...
Trong nhiều chục năm làm lâm sàng, GS Khoa khẳng định, chưa gặp trường hợp nào chữa khỏi ung thư chỉ bằng áp dụng ăn thực dưỡng.