Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người phụ nữ chết sau căng da mặt: Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam sử dụng phương pháp gây mê gì?

Thẩm mỹ viện Kangnam vừa sử dụng gây mê nội khí quản, vừa sử dụng thuốc tê có Lidocain, Adrenalin pha trong Natri clorua khiến nhiều chuyên gia đặt nghi vấn.

Trong báo cáo gửi Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam cho biết, ca phẫu thuật căng da mặt của khách hàng C.T.L, người vừa thiệt mạng, bắt đầu từ 14h và kết thúc 17h30 ngày 11/10. Lúc phẫu thuật, bác sĩ gây mê nội khí quản, thuốc tê với công thức: 25 ml Lidocain 1% + 0,5 ml Adrenalin pha trong 500ml Natri clorua 0,9%.

Sau khi căng da mặt ngày 11/10, đến 21h cùng ngày, nữ khách hàng có dấu hiệu khó thở, khan tiếng, phù môi, tím tái, lơ mơ. 

Lúc này, bác sĩ của thẩm mỹ viện chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ sau phẫu thuật. Bác sĩ thực hiện cấp cứu tích cực như tiêm Adrenalin 1mg/1ml tĩnh mạch chậm, dùng Lipofuldin 20%/100ml tiêm tĩnh mạch.

Tuy nhiên, sức khỏe của bà C. không cải thiện, huyết áp tuột nhanh và các chỉ số khác liên tục giảm. Bác sĩ thêm lần nữa tiêm thuốc Adrenalin 1mg/1ml; tiêm thuốc Lipofuldin 20%/400ml. Sau 2 phút không khả quan, bệnh nhân được ép tim ngoài lồng ngực và tiêm Adrenalin 10mg.

Quá trình cấp cứu tại thẩm mỹ viện Kangnam trong 6 phút, sau đó bệnh nhân được cho sốc điện và gọi xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện. Tiếp đó bệnh nhân chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115 rồi Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Tối 14/10, bệnh nhân chết tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đại diện Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam cho biết, nguyên nhân sự cố có thể do bệnh nhân bị sốc phản vệ. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra rủi ro trong y khoa mỗi năm với tỷ lệ 5:100.000.

 Thẩm mỹ viện Kangnam vẫn hoạt động bình thường sau sự cố.

Nói về phương pháp gây mê của Bệnh viện thẩm mỹ Keangnam, theo bác sĩ thẩm mỹ L.V.Q, bản chất của sốc phản vệ tới từ việc các chất hóa học đặc biệt được hệ miễn dịch giải phóng trong quá trình phản vệ, khiến khách hàng bị sốc.

Trạng thái sốc phản vệ có thể tới từ nhiều yếu tố khác nhau, nên khá khó để đưa ra xác định chuẩn xác nhất. Trong lĩnh vực thẩm mỹ, nguyên nhân thường xảy ra sốc phản vệ đến từ phản ứng với thuốc mê, hoặc tới từ việc thể tích cơ thể có sự biến đổi quá đột ngột.

"Không thể sử dụng 2 phương pháp gây mê này cho một bệnh nhân trong một ca phẫu thuật", bác sĩ Q. chia sẻ.

Đồng quan điểm, một bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Quân y 175 cho rằng cần đặt nghi vấn về việc sử dụng cả 2 phương pháp gây mê nội khí quản và gây tê tại chỗ.

"Phương pháp vô cảm là gồm: Gây mê nội khí quản; gây mê tĩnh mạch; gây tê vùng như: tê tủy sống, tê đám rối cánh tay,...; gây tê tại chỗ. Việc sử dụng cả 2 phương pháp vô cảm trên một bệnh nhân là không đúng.

Đã gây mê nội khí quản, thì không gây tê tại chỗ nữa. Cần làm rõ do người viết báo cáo nhầm lẫn hay đúng thật bệnh viện này sử dụng cả 2 phương pháp đó cho bệnh nhân", bác sĩ này cho biết.

Liên quan vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở phối hợp với Phòng Y tế Quận 3 kiểm tra, nắm hồ sơ bệnh nhân để phục vụ điều tra.

Ngày 15/10, thông tin từ Công an Quận 3 TP.HCM, đơn vị đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM điều tra làm rõ nguyên nhân nữ khách hàng chết sau khi căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết, do nạn nhân là Việt kiều Mỹ, nên cơ quan chức năng đang liên hệ với Lãnh sự quán Mỹ để được chấp thuận giải phẫu tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân.

Nhật Linh

Tin mới