Đầu tuần trước, đám đông vây kín một điểm tiêm chủng ở thành phố Parañaque, vùng đô thị Manila sau tin đồn nơi này sẽ tiêm vaccine Pfizer.
Hàng dài người bất chấp quy định giãn cách xã hội tập trung quanh trung tâm, nhiều người trong số họ không có lịch hẹn trước.
Trong khi đó, các điểm tiêm chủng cung cấp các mũi tiêm do công ty Sinovac của Trung Quốc lại vắng bóng người. Không ít người có lịch hẹn nhưng không đến chích ngừa. Điều này dẫn tới lượng vaccine dư thừa vào cuối ngày.
"Tôi nghĩ đó là do các công ty dược phẩm Mỹ đã được chứng minh được hiệu quả và độ an toàn trong việc sản xuất các loại thuốc chất lượng. Sản phẩm của họ là kết quả của quá trình nghiên cứu và phát triển xuất sắc", Tiến sĩ Anthony Leachon, cựu cố vấn cấp cao của lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Philippines cho hay.
Đám đông xếp hàng để tiêm vaccine tại điểm tiêm chủng ở Paranaque. (Ảnh: Reuters)
Philippines nhập về 5,5 triệu mũi tiêm Sinovac, 2,5 triệu liều AstraZeneca và 193.000 mũi Pfizer.
Manila ban đầu đặt mục tiêu tiêm vaccine cho khoảng 70 triệu dân hoặc hơn một nửa trong tổng số 110 triệu dân từ nay cho tới cuối năm. Nhưng mục tiêu này đã được điều chỉnh xuống còn 58 triệu.
Chương trình tiêm chủng của Philippines bắt đầu vào ngày 1/3. Tính tới ngày 24/5, mới chỉ có 986.929 người Philippines được chích ngừa.
Về những gì xảy ra ở Paranaque, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết người dân không còn được lựa chọn vaccine để tiêm.
"Cho dù bạn là triệu phú hay người nghèo, bạn sẽ nhận được những gì chúng tôi trao cho bạn. Bạn không thể lựa chọn", ông Duterte nói.
Theo quy định hiện hành, Philippines ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên y tế, người có bệnh nền, người già, lực lượng quân đội, cảnh sát.
Những người đủ điều kiện tiêm chủng có thể đăng ký và đặt lịch hẹn. Trước tuyên bố của ông Duterte, người nộp đơn có thể chọn loại vaccine mà họ muốn tiêm.
Hiện tại, người dân không được biết nhãn hiệu vaccine mình sẽ tiêm cho tới khi đến trung tâm. Khi tới nơi, họ vẫn có thể từ chối tiêm nhưng nếu muốn tiêm lại cần đặt lịch hẹn mới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ủng hộ quyết định của ông Duterte.
Rabindra Abeyasinghe, đại diện của WHO tại Philippines gọi đây là "bước đi đúng hướng, khuyến khích mọi người chấp nhận các loại vaccine đang được triển khai”.
Các quan chức Philippines khẳng định tất cả các loại vaccine đều có hiệu quả và điều quan trọng nhất là người dân cần tiêm chủng càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng việc chính quyền tước đi quyền lựa chọn vaccine được tiêm của công dân có thể sẽ phản tác dụng.
Thứ nhất, hàng nghìn người Philippines làm việc tại nước ngoài về nước tránh dịch có thể sẽ không thể trở lại nước sở tại vì một số quốc gia nhiều khả năng yêu cầu hộ chiếu vaccine và vaccine Trung Quốc có thể không được chấp nhận.
Một phụ nữ ngồi đợi tiêm chủng ở Taguig. (Ảnh: AP)
Trong phiên điều trần trước thượng viện hôm 25/5, Thượng nghị sĩ Christopher Bong Go cho biết nhiều lao động Philippines làm việc ở nước ngoài do dự tiêm chủng vì một số quốc gia yêu cầu cung cấp nhãn hiệu vaccine cụ thể.
"Nhiều lao động không thể rời khỏi đất nước vì các nước sở tại ưu tiên cho các nhãn hiệu vaccine của phương Tây", ông này nói.
Ông Bong Go từ đó đề nghị xem xét phân bổ vaccine phù hợp với đối tượng này.
Vấn đề thứ hai là hầu hết người Philippines ngại tiêm chủng.
Khảo sát hôm 20/5 của Social Weather Stations tiết lộ chỉ 32% người Philippines trưởng thành sẵn sàng chích ngừa.
Hai tháng trước đó, một cuộc thăm dò của Pulse Asia cho thấy 61% người được hỏi từ chối tiêm chủng.
Tổ chức phi chính phủ OCTA Research Group cho rằng với sự do dự hiện nay của người dân, Philippines - quốc gia có gần 1,2 triệu ca bệnh khó lòng đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 25/5 với ABS-CBN News, Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian cho rằng quyết định không để người dân biết nhãn hiệu vaccine sẽ khoét sâu vào nỗi sợ và không giúp xây dựng lòng tin.
"Công chúng nên có quyền lựa chọn vaccine để tiêm, nhưng cần có sự cân bằng giữa mong muốn và sự sẵn có của nhãn hiệu được ưa thích để đạt miễn dịch cộng đồng", ông này cho hay,
Một nguyên nhân khác khiến người dân Philippines ngại tiêm vaccine là do ám ảnh từ quá khứ.
Năm 2015, chính quyền cựu Tổng thống Benigno Aquino Jr bắt đầu chiến dịch y tế công cộng chống lại bệnh sốt xuất huyết với việc sử dụng vaccine Dengvaxia do công ty dược phẩm Sanofi của Pháp sản xuất.
Tuy nhiên, năm 2017, khi ông Duterte nhậm chức được một năm, Sanofi bất ngờ tuyên bố Dengvaxia có thể gây nguy hiểm cho những người chưa từng mắc sốt xuất huyết trước đó. Manila phải đình chỉ chiến dịch tiêm chủng này sau tuyên bố trên. Nhưng khi đó, đã có hơn 730.000 người Philippines tiêm vaccine Dengavaxia.
Ông Gatchalian cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là "xoa dịu nỗi sợ hãi". Gatchalian khẳng định chiến lược đơn giản nhất là để các lãnh đạo lộ diện và thúc đẩy tiêm chủng.
Hồi đầu tháng 5, Tổng thống Duterte tiêm vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) sau nhiều tháng dư luận cũng như các chuyên gia hối thúc ông tiêm chủng để tăng niềm tin của công chúng vào vaccine.
Tuy nhiên, quyết định dnày lại gây tranh cãi vì vaccine Sinopharm chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở quốc gia Đông Nam Á. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Philippines thậm chí còn chưa xử lý đơn xin sử dụng khẩn cấp của Sinopharm do thiếu tài liệu.